6 ngân hàng lớn của Mỹ trả 100 tỷ USD cho cổ đông
6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã trả hơn 100 tỷ USD cho cổ đông thông qua trả cổ tức và các chương trình mua lại cổ phiếu trong năm 2024...
Sau nhiều năm tích trữ vốn vì lo ngại có thể bị cơ quan chức năng “sờ gáy” bất kỳ lúc nào, các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đã trả cho cổ đông số tiền lớn nhất trong 3 năm trở lại đây, dưới dạng trả cổ tức và mua lại cổ phiếu - Bloomberg cho hay.
Theo dữ liệu của hãng tin này, 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã trả hơn 100 tỷ USD cho cổ đông thông qua trả cổ tức và các chương trình mua lại cổ phiếu trong năm 2024, con số cao nhất kể từ năm 2021. Mức chi trả cổ tức của các ngân hàng này trong năm qua cũng là cao nhất kể từ trước đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, các nhà điều hành cấp cao của nhóm nhà băng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mức trả tiền cho cổ đông trong năm 2025. Citigroup - ngân hàng có mức mua lại cổ phiếu thấp nhất trong số các ngân hàng lớn của Mỹ năm nay do còn đầu tư vào hoạt động quản trị và kiểm soát rủi ro - cuối cùng đã đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư băng kế hoạch mua lại cổ phiếu 20 tỷ USD. Giám đốc tài chính (CFO) của Citigroup, ông Jeremy Barnum, nói rằng ngân hàng đang có nhiều vốn dư và không muốn lượng vốn dôi dư tăng thêm.
“Xét tới tốc độ sản sinh vốn hữu cơ mà của chúng tôi đang có hiện nay, trừ phi sớm tìm thấy một cơ hội để triển khai vốn, chúng tôi sẽ tiếp tục chi trả cho cổ đông thông qua mua lại cổ phiếu. Việc này cũng nhằm kiềm chế sự tăng trưởng của lượng vốn dôi dư. Đó là kế hoạch hiện tại của chúng tôi”, ông Barnum nói trong một cuộc điện đàm với các nhà phân tích.
Cổ đông thường muốn doanh nghiệp mua lại cổ phiếu, vì sau đó, mức cổ phần của mỗi nhà đầu tư trong công ty sẽ trở nên lớn hơn và giá trị của những cổ phiếu lưu hành cũng tăng lên.
Sau một giai đoạn có nhiều biến động trong các quy chế giám sát ở Mỹ, các chương trình mua lại cổ phiếu và trả cổ tức quy mô lớn đang được các ngân hàng lớn ở nước này tính đến. Các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đã lập kỷ lục lợi nhuận trong năm 2021, nhưng vào năm 2022, các bài kiểm tra sức ép tài chính (stress tests) nghiêm ngặt hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến các nhà băng hạn chế hoạt động trả cổ tức và mua lại cổ phiếu trong nửa sau của năm. Đến năm 2023, mối lo về các quy định về vốn thắt chặt hơn trước đã nổi lên.
Nhóm 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Đối với các nhà băng này, tình hình giờ đây đã trở nên sáng sủa hơn. Chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể mang tới một đợt nới lỏng các quy chế giám sát, theo đó giảm bớt hoặc hủy các kế hoạch buộc các ngân hàng phải dự trữ lượng vốn lớn hơn. Sự nới lỏng như vậy sẽ giải phóng thêm vốn để các ngân hàng cho vay, và có thể mang lại mức lợi nhuận lớn hơn cho cổ đông.
“Với chính quyền mới, chúng tôi kỳ vọng sẽ có một cách tiếp cận khác trong các quy chế giám sát”, CEO David Solomon của Goldman Sachs nói trong một cuộc điện đàm, sau khi nhà băng này trả số tiền lớn kỷ lục cho cổ đông trong năm 2024.
Việc tăng vốn dự trữ tại các ngân hàng được quy định trong Basel III - một bộ các biện pháp do Ủy ban Basel xây dựng trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Các biện pháp này được triển khai trong nhiều năm, nhằm mục đích tăng cường quy định, giám sát và quản lý rủi ro của các ngân hàng. Bộ quy tắc cuối cùng trong Basel III được gọi là “Basel III Endgame” yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn trong bảng cân đối kế toán để đề phòng trường hợp rủi ro.
“Chúng tôi đã tăng lượng hoàn tiền cho cổ đông trong mấy quý vừa qua. Tôi vui mừng khi nhận thấy khả năng tăng cường thực thi các quy định trong Basel III đã không còn”, CEO Jane Fraser của ngân hàng Citigroup nói trong một cuộc điện đàm.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/6-ngan-hang-lon-cua-my-tra-100-ty-usd-cho-co-dong.htm