6 người phải cấp cứu khi tham gia giải marathon tại Hà Nội

Sau khi tham gia một giải chạy tại Hà Nội, 6 người phải nhập viện trong tình trạng sốc nhiệt, lơ mơ, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu.

 Bệnh nhân nhập cấp cứu với biểu hiện mệt mỏi, lơ mơ, hạ huyết áp... sau giải chạy. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân nhập cấp cứu với biểu hiện mệt mỏi, lơ mơ, hạ huyết áp... sau giải chạy. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thông tin 6 bệnh nhân được đưa đến cấp cứu vào sáng 13/10, với biểu hiện lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu.

Kết quả xét nghiệm các bệnh nhân có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành làm mát cơ thể người bệnh, truyền dịch, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, chức năng tạng. Sau đó, cả 6 bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức nội khoa và chống độc và khoa Nội thận lọc máu để tiếp tục điều trị.

Hiện tại, tình trạng cả 6 người này tạm thời ổn định, huyết động trong giới hạn, chức năng thận dần hồi phục.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Cường, Chủ nhiệm khoa Cấp cứu, cho biết những năm trở lại đây, khi phong trào chạy bộ tăng lên, tình trạng tình trạng người sốc nhiệt khi tham gia các giải marathon và thể thao đường dài gia tăng.

"Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức và đặc biệt là những vận động viên không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon", bác sĩ Cường nói.

 Các bác sĩ khoa Cấp cứu thăm khám cho bệnh nhân bị sốc nhiệt. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu thăm khám cho bệnh nhân bị sốc nhiệt. Ảnh: BVCC.

TS.BS Phạm Đăng Hải, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc, sốc nhiệt làm tăng nguy cơ tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học. Chúng gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong.

Theo TS Hải, hiểu về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt khi chơi thể thao rất quan trọng để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một số dấu hiệu giúp mọi người nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức như hôn mê, cơn động kinh; rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.

Để phòng nguy cơ sốc nhiệt, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần luôn quan tâm tới môi trường khi luyện tập. Người dân nên chọn thời gian mát mẻ trong ngày để luyện tập khi thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, bạn nên tránh luyện tập trong thời gian dài liên tục và nên có nhiều lượt nghỉ đan xen.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tập luyện để thích nghi với nhiệt độ. Nếu không tập luyện mà tham gia chạy dài nắng nóng, mất nước... rất có nguy cơ xảy ra sốc nhiệt.

Theo đó, để thích nghi với thời tiết nắng nóng, bạn sẽ cần thời gian khoảng một tuần. Hơn nữa, cường độ tập luyện càng cao, cơ thể bạn càng sinh nhiệt, khiến nguy cơ sốc nhiệt gia tăng. Vì thế, bạn cần tránh các bài tập nặng khi cơ thể chưa quen với nhiệt độ và thích nghi từ từ thông qua việc bắt đầu với những bài tập nhẹ trong thời gian ngắn.

Khi chạy bộ, bạn nên mặc trang phục nhẹ, thoáng, thấm hút mồ hôi, đội mũ để bảo vệ đầu khỏi nắng nóng. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo cơ thể được bù nước đủ. Người chạy dài không nên chỉ uống mỗi nước lọc. Bởi khi chạy, cơ thể đổ mồ hôi nhiều khiến tình trạng mất nước, rối loạn điện giải gia tăng. Vì thế, hãy đảm bảo cơ thể được bổ sung muối (natri) ngoài nước lọc.

Đặc biệt, việc lắng nghe cơ thể khi tập luyện thể thao là rất quan trọng. Nếu cảm thấy cơ thể không khỏe dù chỉ là một chút, hãy dừng chạy, dừng luyện tập. Việc tập luyện, thi đấu là cả quá trình, không đến đích lần này, bạn vẫn có cơ hội lần sau. Không nên gắng sức dễ gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/6-nguoi-phai-cap-cuu-khi-tham-gia-giai-marathon-tai-ha-noi-post1504286.html