6 nhiệm vụ trọng tâm trong kỷ nguyên mới
Tại Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề 'Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn', đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đã khẳng định sự thống nhất trong nhận thức và định hướng phát triển của đất nước.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo cùng thảo luận và làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn trong bối cảnh kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
Kỷ nguyên mới: Giai đoạn phát triển vượt bậc của dân tộc
Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam được định nghĩa là giai đoạn phát triển bứt phá dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thời kỳ xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển với thu nhập cao vào năm 2045. Đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh rằng trong kỷ nguyên mới, người dân Việt Nam sẽ được phát triển toàn diện, hưởng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc, trong một đất nước thịnh vượng, văn minh.
Các yếu tố tạo nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam bao gồm vị trí địa chính trị chiến lược, dân số vàng với 105 triệu người, văn hóa đặc sắc, cùng sự ổn định chính trị và khát vọng dân tộc mạnh mẽ. Đặc biệt, kỷ nguyên này bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng – thời điểm Việt Nam hoàn thành công cuộc đổi mới sau 40 năm và đạt được những thành tựu vĩ đại.
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, bước vào kỷ nguyên mới là quy luật tất yếu của cách mạng Việt Nam. Sau gần 95 năm xây dựng và phát triển, đất nước đã trải qua hai kỷ nguyên lịch sử quan trọng: kỷ nguyên độc lập dân tộc (1930-1975) và kỷ nguyên thống nhất, đổi mới (1975-2025). Giờ đây, kỷ nguyên thứ ba – kỷ nguyên vươn mình – sẽ kế thừa và phát triển những thành tựu to lớn của hai kỷ nguyên trước, đồng thời mở ra những bước ngoặt mới cho dân tộc trong bối cảnh trật tự thế giới đang định hình lại.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong kỷ nguyên mới
Hội thảo đã đạt được sự thống nhất cao về những nhiệm vụ cần triển khai đồng bộ nhằm đạt mục tiêu phát triển bứt phá:
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Bước vào kỷ nguyên mới, việc đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trở nên cấp thiết, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo vĩ đại, dẫn dắt dân tộc vươn mình mạnh mẽ. Hội thảo thống nhất triển khai các giải pháp chiến lược mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, bao gồm: Thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền, tránh bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đổi mới việc ban hành và thực hiện nghị quyết, đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, sát thực tiễn và khả thi, hướng đến các mục tiêu phát triển đất nước, dân tộc, và từng địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng, nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Hội thảo nhấn mạnh yêu cầu giải quyết “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế. Các ý kiến đồng tình cần: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn lực. Đổi mới quy trình xây dựng và thực thi pháp luật, bám sát thực tiễn Việt Nam, đặc biệt với các lĩnh vực liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Các ý kiến tham luận đều nhất trí cao với định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, kết nối, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đột phá về tư duy; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải gắn bó chặt chẽ và phát huy hiệu quả thông qua đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Cần tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động để phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường, tự chịu trách nhiệm của các địa phương.
Cán bộ và công tác cán bộ
Hội thảo khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc,” quyết định sự thành bại của cách mạng. Cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích chung trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế. Chú trọng rà soát, bồi dưỡng, thử thách, sàng lọc đối với nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, nhất là nhân sự Ban chất hành Trung ương Đảng khóa XIV theo hướng tinh gọn, thực đức, thực tài, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp kiến tạo “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phát triển kinh tế và chuyển đổi số
Hội thảo nhấn mạnh phát triển kinh tế là trọng tâm trong kiến tạo kỷ nguyên mới. Các ý kiến đồng thuận về việc: Tháo gỡ rào cản, điểm nghẽn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh cách mạng chuyển đổi số, xem đây là đòn bẩy phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số, và chính phủ số.
Chống lãng phí
Hội thảo thống nhất cao với nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm: thực tế hiện nay lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển (gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước...).
Do vậy, chúng ta thống nhất quan điểm: đẩy mạnh phòng, chống lãng phí là một trọng tâm trong chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, được xếp ngang với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
Kỷ nguyên mới là vận hội lịch sử để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia phát triển, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân và việc tận dụng tốt các nguồn lực, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào hòa bình và phồn vinh toàn cầu.