6 tháng cuối năm 2022 có khả năng xảy ra những cơn bão mạnh

Ngày 1-7, tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tập huấn 'Kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2022.

Đồng chí Phạm Quang Hoài phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Quang Hoài phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và lực lượng chuyên trách quản lý đê điều của 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt trên cả nước.

Theo báo cáo tại hội nghị, tính từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước, đã có 74 trận mưa lớn, sạt lở đất; 77 trận dông lốc, sét; 26 vụ sạt lở bờ sông, 113 trận động đất... khiến 64 người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế 3.900 tỷ đồng.

Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa diễn tập cứu hộ đê.

Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa diễn tập cứu hộ đê.

Với mục tiêu nâng cao năng lực, tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, kiểm tra ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và hộ đê phòng chống thiên tai cho lượng lượng chuyên trách quản lý đê điều - lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu, hạn chế thiệt hại do lũ, bão gây ra, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, đất nước và phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan tại nhiều vùng miền trên cả nước, đã xảy ra 74 trận mưa lớn, sạt lở đất; 77 trận dông lốc, sét; 26 vụ sạt lở bờ sông, 113 trận động đất (95 trận động đất tại Konplong, Kon Tum) và 2 đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, khiến 64 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế 3.900 tỷ đồng.

Hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan tham dự hội nghị.

Hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai và các đơn vị trực thuộc đã thông tin khái quát nhận định về diễn biến bão, lũ thiên tai những tháng cuối năm 2022; công tác phòng chống thiên tai, quản lý đê điều năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 - một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022. Đồng thời, trao đổi các bài học kinh nghiệm hay trong công tác quản lý đê, lập quy hoạch, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê trong thời gian vừa qua.

Diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay cho thấy tính chất bất thường, cực đoan, không theo quy luật của thời tiết, vì vậy 6 tháng cuối năm 2022 có khả năng xảy ra những cơn bão mạnh, trận lũ lớn, đe dọa đến an toàn hệ thống đê điều.

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, sẵn sàng cho những tình huống bất lợi nhất, Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt (trong 6 tháng cuối năm 2022), thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn đê...

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” giai đoạn 2016-2020 và các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021.

Tin, ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/6-thang-cuoi-nam-2022-co-kha-nang-xay-ra-nhung-con-bao-manh-698660