6 tháng đầu năm 2019, tăng gần 2.000 trường hợp lái xe sử dụng chất kích thích
6 tháng đầu năm 2019, TPHCM đã xử lý 6.552 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 1.803 trường hợp, trong đó có 212 trường hợp lái xe ô tô, 6.340 trường hợp lái xe mô tô, gắn máy.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, về việc thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe trên địa bàn TPHCM, Công an thành phố cùng các ngành chức năng và 24 quận, huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn kết hợp kiểm tra chất kích thích (ma túy) ngay từ đầu năm 2019.
Tổ chức điều tra, khảo sát các địa bàn giao thông, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, quán bar, vũ trường, tụ điểm về ma túy và phương tiện tham gia giao thông, để nắm quy luật hoạt động về thời gian, tuyến đường, địa bàn có nhiều khả năng người điều khiển xe tham gia giao thông sử dụng chất ma túy, rượu bia và các chất kích thích khác.
Qua đó, thành lập 24 tổ tuần tra, kiểm soát gồm các đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an quận - huyện, Thanh tra giao thông, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, y tế, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đo nông độ cồn, thiết bị test chất ma túy. Tăng cường, tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn tại các cảng, bến bãi, kho hàng và cửa ngõ ra vào thành phố.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được tập trung thực hiện với 37 đợt tuyên truyền, 55 phóng sự, 23 tin thời sự, 102 bài viết đăng trên các báo, 9 chương trình phát thanh “Tuýt còi” và 1 chương trình truyền hình về Luật Giao thông đường bộ, quy định về nồng độ cồn, chất kích thích khi điều khiên phương tiện tham gia giao thông, nhằm tạo sự đồng tình ủng hộ và lên án các hành vi vi phạm.
Trong quá trình tổ chức thực hiện còn có những khó khăn vướng mắc như ý thức của một bộ phận người dân chưa cao có thói quen sử dụng rượu bia trong các hoạt động cưới hỏi, ma chay, liên hoan, gặp gỡ, giao lưu...; chưa tự giác áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác một số trường hợp có hành vi chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, đo nồng độ cồn gây mất thời gian và ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật.
Mặc dù, cơ quan chức năng đã tăng cường xử lý, tuy nhiên trên thực tế con số xử lý vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp so với tình hình chung. Việc xác định người điều khiển phương tiện có sử dụng ma túy cần phải có kết quả chính xác từ các thiết bị chuyên dụng. Hiện nay, đối với các trường hợp kiểm tra ban đầu qua đường nước tiểu, nước bọt cho kết quả chưa chính xác do tài xế khai nhận đã sử dụng thuốc giảm đau, do đó ảnh hưởng đến kết quả xử lý.
Thời gian tới, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quy định và chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài cung cấp các tin bài, hình ảnh. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho lực lượng chức năng các thiết bị đo, phát hiện chính xác các loại chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện nhằm tăng hiệu quả công tác cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Tham gia góp ý hoàn chỉnh hệ thống pháp lý tăng cường quản lý chặt chẽ việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ rượu bia, đặc biệt là cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với trường hợp điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia; chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sử dụng rượu bia, chất kích thích gây tai nạn giao thông, nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Theo UBND TPHCM, tình hình tai nạn giao thông, trong 6 tháng đầu năm đã kéo giảm và đạt chỉ tiêu đề ra là giảm 5% trên cả 3 mặt.
Cụ thể, trên địa bàn TPHCM xảy ra 1.669 vụ tai nạn giao thông (bao gồm va chạm giao thông), làm chết 304 người và bị thương 1.147 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 115 vụ TNGT (- 6,46%); giảm 39 người chết (-11,4%) và giảm 68 người bị thương (- 5,6%).
6 tháng đầu năm đã xử lý 6.552 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 1.803 trường hợp (trong đó có 212 trường hợp lái xe ô tô, 6.340 trường hợp lái xe mô tô, gắn máy); kiểm tra phát hiện 37 trường hợp lái xe container, xe tải dương tính với ma túy, lập biên bản đối với 31 trường hợp, 6 trường hợp còn lại qua kiểm tra tại trung tâm y tế không phát hiện vi phạm.
Tổ 363 (thực hiện chuyên đề tuần tra, kiểm soát hỗn hợp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố) kiểm soát 6.658 trường hợp, lập biên bản 3.337 trường hợp, trong đó có 830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 50 trường họp vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy.