Thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết, song gần đây ô nhiễm không khí tăng dần theo thời gian.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng, song theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí cho đến nay vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.
"Thực tế trên đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí để giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển," Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại
Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều nay, 14/11, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa.
Điều đáng nói là mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2.5 (những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micromet trở xuống).
Cũng theo ông Duy, mặc dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết (hàng năm ô nhiễm tập trung từ tháng Mười của năm trước đến tháng Ba của năm tiếp theo; trong ngày ô nhiễm tập trung từ nửa đêm đến sáng), tuy nhiên dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt là từ khi các hoạt động kinh tế-xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19.