6 trụ cột phát triển hệ sinh thái ngành vi mạch bán dẫn

Việt Nam thiếu một chương trình tổng thể để tập trung phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn bền vững trong vòng 20 năm.

Để phát triển nguồn nhân lực vi mạch chất lượng cao bền vững, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM cần có những chính sách về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái công nghiệp vi mạch ngay từ bây giờ.

 Sinh viên trường ĐH CNTT TP.HCM đang học thiết kế vi mạch bán dẫn. Ảnh: MINH HOÀNG

Sinh viên trường ĐH CNTT TP.HCM đang học thiết kế vi mạch bán dẫn. Ảnh: MINH HOÀNG

. Phóng viên: Sau 20 năm thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp vi mạch, kỹ sư vi mạch bán dẫn của Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh với đồng nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện vẫn còn thiếu và yếu, vì sao?

+ Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn: Kỹ sư vi mạch nước ta đã thiếu còn yếu do thiếu kinh nghiệm trong thiết kế chip với các công nghệ mới. Hoạt động cài đặt và cấu hình các công nghệ mới không được giao cho các kỹ sư Việt Nam thực hiện mà do các kỹ sư tại trụ sở của các công ty vi mạch. Do vậy, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch nhiều nhưng đáp ứng yêu cầu liên quan đến công nghệ mới chưa được cao.

Đối với nhóm ngành về lắp ráp, kiểm tra và đóng gói, nguồn nhân lực chất lượng cao trong quy trình sản xuất này chiếm tỉ lệ dưới 10% trong nhà máy. Nguồn nhân lực này cơ bản chưa được các trường Đại học ở Việt Nam đầu tư đúng mức. Việc thiếu nguồn nhân lực này cũng do sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam chưa được quan tâm và chú trọng trong khoảng 10-20 năm qua.

. Theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào để có thể phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch dựa trên Nghị quyết 98?

+ Trước hết chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực từ đại học đến sau đại học đối với nhóm ngành: Điện - Điện tử, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý Kỹ thuật, Vi điện tử, Công nghệ môi trường, Công nghệ vật liệu, Cơ điện tử, Quản lý công nghiệp….

Đối với giải pháp này cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, phòng thực hành cho các đơn vị đã và đang đào tạo các chuyên ngành về vi mạch bán dẫn trong 10 hoặc 20 năm qua.

Đồng thời, TP.HCM cần tận dụng Nghị quyết 98 để có cơ chế về thuế thu nhập, đãi ngộ khác. Từ đó nhằm thu hút chuyên gia và nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và đào tạo chuyên sâu trong ngành vi mạch bán dẫn. Đồng thời thu hút chuyên gia nước ngoài cộng tác với các viện/trường tham gia đào tạo và nghiên cứu.

Hai là cần phát triển các các chương trình đào tạo ngắn hạn cho sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc đào tạo lại ngắn hạn đối với kỹ sư chuyên ngành. Đồng thời phát triển tiêu chuẩn kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam theo chuẩn mực thế giới.

Ba là hình thành trung tâm, viện nghiên cứu vi mạch bán dẫn nhằm thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, hình thành quy trình thiết kế chế tạo chip trên một lần sản xuất hỗ trợ cho nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm. Cùng với đó, hình thành phòng thí nghiệm chia sẻ thiết kế và mô phỏng dùng chung, phát triển phòng thí nghiệm đo kiểm và kiểm thử vi mạch/chip sau chế tạo.

Bốn là mở rộng đào tạo nguồn nhân lực liên ngành. Trong đó, liên kết đào tạo nhóm ngành cơ bản với nhóm ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn. Từ đó nhằm định hướng phát triển nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực chế tạo trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Ba nhóm nguồn nhân lực trong ngành vi mạch bán dẫn

Ngành công việc vi mạch bán dẫn có 3 nhóm nguồn nhân lực gồm: nhóm nguồn nhân lực thiết kế (Chip design), nhóm phục vụ sản xuất chế tạo vi mạch/chip (Fabrication) và nhóm làm việc trong nhà máy lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP).

Sau 20 năm thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp vi mạch, Việt Nam đã hình thành được 2 nhóm nguồn nhân lực về Fabrication và ATP.

Đối với nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 5.600 kỹ sư làm việc tại 48 công ty thiết kế, trong đó có khoảng 30% có trên 5 năm kinh nghiệm. Hầu hết các kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá cao về khả năng làm việc. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực ATP có số lượng khiêm tốn hơn phụ thuộc vào sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước.

TS Nguyễn Minh Sơn

. Theo ông, Việt Nam cần có giải pháp bền vững nào để phát triển ngành công nghiệp vi mạch để tránh nguy cơ trong tương lai lại lo thừa kỹ sư vi mạch?

+ Để phát triển ngành này, Việt Nam không chỉ dừng lại việc đào tạo, phát triển nguồn lực mà phải xây dựng được hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Để TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tham gia chuỗi cung ứng của thế giới, chúng ta cần có một chương trình tổng thể tập trung phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn này trong vòng 20 năm.

Thời gian tới, với 50.000 nhân lực ngành vi mạch sẽ làm việc ở đâu, trong nước, nước ngoài, hay xuất khẩu nhân lực… Nếu chúng ta không xây dựng hệ sinh thái, phương án tính toán thì trong tương lai sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thừa nhân lực.

Theo tôi, để xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, cần có 6 trụ cột chính. Thứ nhất là cần có chương trình phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn thông qua hợp tác đào tạo theo công nghệ mới. Thứ hai, TP.HCM cần tiếp tục thu hút doanh nghiệp FDI, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ là trợ lực cho ngành bán dẫn phát triển.

Thứ ba là nội lực, chúng ta cần có chương trình phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn toàn cầu.

Thứ tư là chương trình nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin chủ lực của TP.HCM. Hình thành các sản phẩm công nghệ chủ lực dựa trên ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin mà những ngành này có sử dụng đến vi mạch, chip mà ngành thiết kế vi mạch tạo ra.

Thứ năm, TP cần chương trình phát triển cơ chế chính sách để giúp các đơn vị đào tạo phát triển nguồn nhân lực tốt. Cuối cùng là xây dựng các trung tâm, viện nghiên cứu vi mạch bán dẫn Việt Nam. Tất các 6 trụ cột trong chương trình trên cần phát triển đồng bộ với nhau xuyên suốt ít nhất 20 năm.

. Xin cám ơn ông!

Tiến sĩ Majo George, Đại học RMIT Việt Nam: TP.HCM phải cải thiện điều kiện làm việc giữ chân nhân lực vi mạch

TP.HCM là trung tâm chủ chốt của ngành vi mạch Việt Nam, phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước láng giềng như Malaysia và Indonesia, nơi nguồn nhân lực ngày càng tăng do thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể vào lĩnh vực chip.

Mối lo ngại về việc thiếu nhân lực chất lượng cao có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của thành phố trong lĩnh vực này là có cơ sở, đến từ sự phát triển nhanh chóng của ngành vi mạch toàn cầu và nhu cầu về nhân sự lành nghề.

Ngành công nghiệp vi mạch của Malaysia đang trên đà tăng trưởng, một phần nhờ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do các sự kiện địa chính trị và đại dịch COVID-19 gây ra. Lợi thế của Malaysia về đóng gói và thử nghiệm tiên tiến đã khiến nước này trở thành điểm nóng thu hút FDI vào lĩnh vực bán dẫn.

Malaysia đã có được những khoản đầu tư đáng kể, thu hút các công ty lớn như Intel và TF-AMD xây dựng hoặc mở rộng cơ sở của họ. Cách tiếp cận của quốc gia này tập trung vào đóng gói và thử nghiệm tiên tiến, với các doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu tăng tổng giá trị xuất khẩu chất bán dẫn của Malaysia lên khoảng 1.200 tỉ ringgit vào năm 2030, gấp đôi mức gần 600 tỉ ringgit đạt được vào năm 2022.

Tuy nhiên, ngành vi mạch của Malaysia phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc giữ chân nhân sự chất lượng cao. Nhiều nhân công lành nghề, bao gồm cả kỹ sư, rời Malaysia để tìm cơ hội tốt hơn ở những nơi như Singapore, nơi có mức lương cao hơn. Sự cạn kiệt nhân tài này có thể cản trở triển vọng tăng trưởng của Malaysia, cho thấy những vấn đề tương tự có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của TP.HCM nếu không được giải quyết.

Indonesia cũng đang khám phá các cơ hội trong chuỗi cung ứng vi mạch với sự hỗ trợ từ Quỹ An ninh và đổi mới công nghệ quốc tế được thành lập bởi Đạo luật CHIPS năm 2022. Sự hợp tác này nhằm phát triển và đa dạng hóa hệ sinh thái vi mạch toàn cầu, tập trung vào việc xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, an toàn và bền vững. Sự tham gia của Indonesia vào lĩnh vực vi mạch và lực lượng lao động đông đảo và trẻ trung khiến nước này trở thành điểm đến mới nổi của FDI trong lĩnh vực này.

Để duy trì khả năng cạnh tranh, TP.HCM phải giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách đầu tư vào giáo dục, đào tạo và phát triển lực lượng lao động. Những nỗ lực hợp tác giữa các nhà lãnh đạo ngành, tổ chức giáo dục và cơ quan chính phủ có thể giúp xây dựng nguồn lực bền vững.

Bên cạnh đó, đưa ra mức lương cạnh tranh và cải thiện điều kiện làm việc có thể giúp giữ chân các nhân sự lành nghề, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục của thành phố trong lĩnh vực vi mạch.

Bằng cách giải quyết những thách thức này, TP.HCM có thể củng cố vị thế của mình trong ngành vi mạch toàn cầu và duy trì khả năng cạnh tranh giữa áp lực ngày càng gay gắt từ các nước láng giềng.

 Tiến sĩ Majo George, Đại học RMIT Việt Nam: TP.HCM phải cải thiện điều kiện làm việc giữ chân nhân lực vi mạch bán dẫn.

Tiến sĩ Majo George, Đại học RMIT Việt Nam: TP.HCM phải cải thiện điều kiện làm việc giữ chân nhân lực vi mạch bán dẫn.

MINH PHƯƠNG – MINH HOÀNG – MINH LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/6-tru-cot-phat-trien-he-sinh-thai-nganh-vi-mach-ban-dan-post802389.html