6 truyền thuyết kinh dị nổi tiếng nhất châu Á
Châu Á nối tiếng với những điều kỳ bí trong văn hóa tâm linh, và 6 truyền thuyết dân gian kinh dị dưới đây có thể sẽ làm bất cứ ai sởn gai ốc.
Con người luôn bị hấp dẫn bởi những câu chuyện siêu nhiên. Các truyền thuyết kinh dị đến từ các quốc gia châu Á dưới đây góp phần thu hút du khách tìm hiểu về văn hóa dân gian nơi đó.
Pontianak - linh hồn đầm lầy
Văn hóa dân gian Indonesia có rất nhiều câu chuyện về các linh hồn, nổi tiếng nhất là Pontianak (hay Kuntianak). Nó là hồn ma ma cà rồng ám ảnh trong tâm trí của người dân vùng đầm lầy.
Trong các nền văn hóa Đông Nam Á, đầm lầy được coi là nơi kỳ lạ, nơi các linh hồn trong thiên nhiên trú ngụ và khiến loài người phải kiêng dè. Truyền thuyết kể rằng khu vực phía tây Kalimantan, điểm giao nhau của sông Kapuas và Landak, bị Pontianak ám. Chúng thường xuất hiện với bộ đồ trắng, tóc dài và ôm đứa bé trên tay.
Pontianak là linh hồn báo thù có hình dạng một phụ nữ xinh đẹp đi săn đàn ông, trẻ em và những linh hồn vô hại. Pontianak được cho là linh hồn của một người phụ nữ chết khi sinh con hoặc chết một cách khủng khiếp, là một trong những linh hồn có quyền năng và đáng sợ nhất trong văn hóa dân gian Indonesia, Malaysia. Loại ma này thường quyến rũ đàn ông, giết chết họ bằng móng vuốt và ăn nội tạng.
Là nhân vật trung tâm của nhiều bộ phim kinh dị Indonesia và Malaysia, những linh hồn báo thù Pontianak vẫn luôn là cơn ác mộng đối với nhiều người. Dân gian cho rằng mùi hương của đồ giặt sấy sẽ thu hút Pontianak, do đó nhiều người Malaysia không để đồ giặt qua đêm. Những linh hồn quỷ quyệt này có thể dùng ma thuật đen, sự hiện diện của chúng thường được báo trước bằng mùi thơm giống một loài hoa, hoặc mùi thịt thối rữa.
Dân gian cuxg cho rằng Pontianak có thể được thuần hóa để trở thành người vợ tốt, xinh đẹp, bằng cách cắm một chiếc đinh vào lỗ sau gáy cô ta. Tuy nhiên, người đàn ông cần yêu cầu cô ta ký hợp đồng tiền hôn nhân để đảm bảo giữ được nội tạng của mình trong trường hợp chia tay.
Pishachas - ma cà rồng ăn thịt
Là sinh vật giống ma cà rồng, Pishachas trong thần thoại Hindu (Ấn Độ) được cho là ăn thịt của cả người sống và người chết. Chúng đặc biệt thích ăn thịt phụ nữ mang thai.
Pishachas miêu tả có hình dạng giống con người với đôi mắt đỏ lồi và những đường gân nổi trên khắp cơ thể. Chúng ám các khu hỏa táng, khu chôn cất, những ngôi nhà bị bỏ hoang và nơi xảy ra các án mạng kinh hoàng. Trong thời hiện đại, chúng được cho là thường ám vũ trường và câu lạc bộ đêm, hút nguồn năng lượng tiêu cực ở địa điểm được coi là đầy nguy hiểm, dục vọng. Đây là nơi chúng có thể tìm kiếm những con người dễ bị tổn thương.
Là những linh hồn cổ xưa sống cùng trời đất, các Pishachas có ngôn ngữ riêng gọi là Paisá̄ci. Chúng được cho là sở hữu khả năng huyền bí để trở nên vô hình, biến hình và hóa thành bất kỳ hình thức nào theo ý muốn. Những linh hồn cổ xưa và gian xảo này có thể chiếm hữu trí óc, khiến người bị ám có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, nuôi dưỡng bạo lực. Đau khổ phát sinh từ đó, có thể khiến người bị chiếm hữu trở nên điên loạn.
Dân gian cho rằng cần có những câu thần chú đặc biệt để xua đuổi những linh hồn đầy tai ương này. Để giữ cho các Pishachas no đủ và tránh xa mình, con người thường nộp lễ vật trong một số lễ hội tôn giáo nhất định.
Con ma nhà họ Hứa
Đây là một trong những câu chuyện ma nổi tiếng nhất Sài Gòn, nói về hồn ma của một cô gái trẻ lang thang trên hành lang của Bảo tàng Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh (đường Phó Đức Chính, quận 1).
Quay trở lại những năm 30 thế kỷ trước, khi bộ ba tòa nhà lần đầu tiên được xây dựng, đây là nơi ở của gia đìnhHứa Bổn Hòa, một ông trùm bất động sản cực kỳ giàu có được cho là sở hữu khoảng 20.000 bất động sản trong thành phố. Tòa nhà chính từng là dinh thự của gia đình họ, bị đồn đại là có hồn ma cô con gái họ Hứa ám ảnh.
Chuyện kể dân gian cho rằng cô gái này mắc bệnh phong và bị giam trong một phòng ngủ ở tầng trên. Thời gian đó, bệnh phong bị kỳ thị khủng khiếp mà khiến người ta kinh sợ. Muốn giữ thể diện, gia đình quyết định che đậy việc này bằng cách thông báo rằng cô gái đã qua đời vì một căn bệnh bí ẩn và tổ chức tang lễ công khai. Trong khi đó, cô con gái nhà họ Hứa còn sống và bị nhốt trong phòng, bữa ăn hàng ngày được đưa qua khe dưới cánh cửa. Gia đình nhốt cô nhiều năm cho đến khi sự cô đơn và đau khổ khiến cô mất trí và tự kết liễu đời mình.
Nhiều phiên bản của câu chuyện dân gian này nói rằng cô gái đã treo cổ tự vẫn, trong khi phiên bản khác kể cô đã tự thiêu. Kể từ đó, nhiều người nói họ đã nhìn thấy bóng dáng ma quái của một người phụ nữ đi lang thang trong các hành lang của tòa nhà và nghe tiếng ai đó khóc lóc trong đêm khuya.
Ma Phae Wah - điềm báo cái chết
Với người Myanmar, Ma Phae Wah là điềm báo của cái chết, giống như con chó đen của Anh hoặc Banshee của Ireland. Đây là một trong các dạng tồn tại siêu nhiên mà người Myanmar gọi chung là Nat. Quan niệm về nó chính là sự pha trộn giữa các tín ngưỡng vật linh của địa phương và Ấn Độ giáo, Phật giáo.
Ban đầu, Nat là linh hồn của những người đã chết tức tưởi, đau đớn. Sau đó xuất hiện các linh hồn Nat khác sinh ra từ sự vật trong thế giới tự nhiên, các linh hồn bảo vệ núi rừng hoặc địa điểm nào đó. Ma Phae Wah chỉ là một trong những dạng Nat ấy.
Là thần hộ mệnh của các nghĩa địa ở Myanmar, Ma Phae Wah biến nơi đây thành ngôi nhà của mình trong sự cô đơn của cái chết. Ma Phae Wah có hình dạng phụ nữ với mái tóc đen dài bồng bềnh. Lúc nửa đêm, cô ta nâng một chiếc quan tài lên vai và rời khỏi nghĩa trang, đi vào ngôi làng hoặc thị trấn gần đó. Sứ giả báo trước cái chết xõa mái tóc dài bồng bềnh trong làn gió ma mị, loạng choạng bước đi tìm kiếm ngôi nhà của người sắp chết. Cô đặt quan tài trước cửa và chẳng bao lâu sau đó, một thành viên trong gia đình sẽ qua đời.
Vào cuối những năm 1990, một nhà sư ở bang Kayin mơ thấy Ma Phae Wah xuất hiện, nói rằng mình sẽ ăn thịt trẻ sơ sinh. Sau khi cân nhắc, nhà sư này khuyên mọi người dùng thịt chó để dụ sứ giả của cái chết. Sau đó, nhiều gia đình bảo vệ con nhỏ bằng cách dán tấm biển trước cửa nhà với nội dung: “Thịt con chúng tôi thì đắng, nhưng thịt con chó thì ngọt”.
Preta - ngạ quỷ của người Thái Lan
Người Thái Lan tin rằng những kẻ độc ác sau khi chết sẽ thành loại sinh vật khủng khiếp gọi là Preta. Chúng bị tra tấn, chịu đựng đau khổ bởi cơn đói bất tận, do lúc còn sống gây nghiệp ác. Một số ngạ quỷ (quỷ đói) còn tự ăn thịt chính mình.
Có nhiều loại Preta khác nhau, là kết quả của các loại hành vi sai trái lúc còn sống như quá keo kiệt hoặc lợi dụng mọi người. Sự đau khổ vĩnh viễn của ngạ quỷ trong bộ dạng gầy trơ xương lang thang khắp nơi là nỗi ám ảnh đáng sợ không chỉ đối với người Thái. Loại ma quỷ này cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa cổ đại châu Á dưới nhiều tên gọi khác nhau.
Về ngoại hình, Preta trông giống như một phiên bản kéo dài không cân xứng của Gollum trong phimChúa tể những chiếc nhẫn. Chúng có cổ dài, thân hình gầy với cái bụng phình to, da ngăm đen, bàn tay to như lá cọ. Chúng cao bằng một cây cọ và có miệng nhỏ như lỗ kim khâu, điều này giải thích tại sao chúng thường xuyên đói. Những tiếng rên rỉ the thé mà nhiều người nghe thấy trong đêm yên tĩnh tối tăm ở Thái Lan được cho là âm thanh của loài Preta đi lang thang trong đêm.
Ngạ quỷ hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến con người, thường là vô hình đối với người sống. Chúng tìm cách chấm dứt đau khổ bằng cách tham dự các buổi lễ công đức tại chùa, do các Phật tử tốt bụng thực hiện để cứu vớt chúng. Khi ngạ quỷ đã tích lũy đủ công đức, chúng sẽ được giải thoát.
Ở Thái Lan, các câu chuyện về ngạ quỷ được dùng để giáo dục đạo đức, ngăn con người làm việc xấu. Nhiều ngôi chùa dựng tượng Preta như một lời nhắc nhở hướng thiện.
Kappa - quỷ sông
Đây là một tồn tại siêu nhiên trong văn hóa Nhật Bản. Linh hồn của thế giới tự nhiên và các hồn ma đã ăn sâu vào tôn giáo, lịch sử và văn hóa nước này. Thậm chí còn có một cuộn sushi làm từ dưa chuột được đặt theo tên của nó - Kappa-maki, vì Kappa thích dưa chuột. Chúng là những sinh vật nhỏ bé kỳ lạ, có hình dạng gần giống người và kích thước bằng một đứa trẻ. Chúng có mai giống như mai rùa, da có vảy màu xanh lá cây. Cái phễu trên đầu phải luôn ngập tràn nước thì chúng mới có thể sống sót. Chúng sống ở các hồ, suối và sông.
Trong Thần đạo, Kappa được tôn là thần của nước, đôi khi tượng của chúng có ở các đền thờ. Kappa rất thèm ăn dưa chuột và không bao giờ thất hứa. Trong những truyền thuyết rùng rợn hơn về Kappa, người ta kể rằng chúng rất thích kéo trẻ em và động vật bị lạc xuống nước cho chết đuối và ăn thịt.