60 giường ICU phô bày thách thức sống chung với dịch ở Singapore
Dù có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu khu vực, Singapore đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 chưa từng có. Có lúc đảo quốc sư tử chỉ còn 60 giường chăm sóc đặc biệt (ICU).
Khoảng nửa năm về trước, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về cảnh tượng bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ phải vật lộn để có được bình dưỡng khí khi quốc gia Nam Á này rơi vào tình cảnh thiếu oxy trầm trọng.
Một năm trước đó, hình ảnh những bác sĩ Italy mệt mỏi phải lựa chọn bệnh nhân có thể cứu chữa khiến dư luận thế giới bàng hoàng.
Trong gần hai năm qua, những cảnh tượng này không phải là hiếm, nhưng chưa hề diễn ra tại Singapore. Vào giai đoạn đầu của đại dịch, Singapore, cùng nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương, nổi lên là điểm sáng chống dịch khi thực hiện hiệu quả chính sách truy vết, cách ly và giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đến năm 2021, Singapore lại tiếp tục là nước đi đầu về tiêm chủng ở khu vực, phủ vaccine cho phần lớn dân số trước khi mở cửa theo từng giai đoạn và bước vào "sống chung với virus".
Dù Singapore có một kế hoạch rõ ràng và được xem là kiểu mẫu, biến chủng Delta vẫn khiến số ca nhiễm của nước này tăng vọt, đe dọa đến cuộc sống bình thường mới và khiến kế hoạch mở cửa bị trì hoãn thêm. Dù có một trong những hệ thống y tế hàng đầu thế giới, Singapore cũng đứng trước nỗi lo thiếu giường ICU.
60 chiếc giường ICU
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Singapore, trong ngày 25/10, nước này chỉ còn 60 giường ICU trống, tương ứng với 16% tổng số giường trên toàn Singapore. Trong số 306 giường đang được sử dụng, 171 giường dành cho bệnh nhân Covid-19, trong đó có 64 bệnh nhân nguy kịch. 135 giường còn lại dành cho các ca bệnh không liên quan đến Covid-19, theo Straits Times.
Giới chức y tế Singapore đang theo dõi sát sao công suất sử dụng giường ICU. Thông thường, một bệnh nhân phải nằm ở giường ICU khoảng 2 tuần. Tuy vậy, một số người có thể phải ở lại đến một tháng, theo Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung. Nếu nhiều bệnh nhân nhập viện hơn xuất viện, hệ thống y tế có thể quá tải. Đây là điều khiến Singapore lo ngại.
Singapore coi việc đảm bảo năng lực của hệ thống y tế là nhiệm vụ cấp thiết. Nếu số lượng bệnh nhân ở mức vừa phải, họ sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng và tăng cơ hội bình phục.
Nếu bệnh viện quá tải, các nhân viên y tế sẽ mệt mỏi vì phải làm việc liên tục. Khi con người mỏi mệt, sai sót hoàn toàn có thể xảy ra.
“Hệ thống y tế đang chịu áp lực”, giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói với Straits Times. “Tuy vậy, chúng ta chưa đến giai đoạn mà các bác sĩ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Dành nguồn lực cho một số bệnh nhân, trong khi từ bỏ các bệnh nhân còn lại”.
Giáo sư Paul Tambyah, cố vấn cấp cao tại khoa bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện NUS, cho biết tỷ lệ lấp đầy của hệ thống bệnh viện công tại Singapore vốn cao hơn so với các nước thu nhập cao khác.
Về mặt tích cực, điều này giúp các bác sĩ Singapore quen với việc quyết định bệnh nhân nào có thể chờ đợi. “Đa số bác sĩ đang đối đầu với đợt bùng phát dịch hiện nay một cách bình tĩnh, dù thách thức vẫn còn”.
Dù vậy, áp lực đối với các nhân viên y tế là rất lớn. Một bài báo đăng trên tạp chí y khoa Annals của Học viện Y khoa Singapore tiết lộ sự thiếu nhân lực chất lượng cao là trở ngại lớn nhất đối với hệ thống ICU, khi các bệnh viện thường cố gắng đảm bảo tỷ lệ y tá trên bệnh nhân là 1:1.
“Vận hành hệ thống ICU là công việc lao động nặng nhọc. Sự thiếu nhân lực đến một phần từ quãng thời gian đào tạo kéo dài để có năng lực cần thiết”, bài báo viết.
Bộ Y tế Singapore đang tìm cách giải quyết vấn đề này qua việc tuyển dụng thêm nhân lực vào vị trí hỗ trợ y tế và chăm sóc bệnh nhân. Tuy vậy, điều này sẽ cần thời gian thực hiện.
“Bộ Y tế đang làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ và hỗ trợ các bệnh viên”, Bộ trưởng Ong Ye Kung nói hôm 20/10. “Nếu cần, chúng tôi sẽ mở thêm giường ICU”. Tuy vậy, ông Ong cũng cảnh báo điều này có thể “làm giảm khả năng hoạt động và chăm sóc y tế thông thường” của bệnh viện.
Tính đến hết ngày 26/10, 15 giường ICU đã được giải phóng so với ngày 25/10, nâng tổng số giường trống lên 75. Điều này làm giảm áp lực phần nào cho hệ thống y tế. Bộ Y tế Singapore cũng tuyên bố bổ sung 100 giường trong tuần tới.
Hồi tháng 7, ông Ong từng tuyên bố Singapore có thể mở tới 1.000 giường ICU cho bệnh nhân Covid-19. Hai tháng sau tuyên bố trên, con số này chỉ là khoảng 100 giường. Giờ đây, Singapore có chưa đầy 300 giường ICU phục vụ người mắc Covid-19.
Đợt dịch chưa từng có
Singapore đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch nặng nề nhất từ khi đại dịch bùng phát. Trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới liên tiếp vượt mốc 3.000 người.
Số ca tử vong cũng chứng kiến sự gia tăng chưa từng có. Nước này ghi nhận 155 người thiệt mạng do Covid-19 trong hai tuần qua. Để so sánh, tổng số ca tử vong của nước này trước đó chỉ là chỉ là 184.
Tỷ lệ tử vong hàng ngày của Singapore trong một tuần tính đến ngày 22/10 là 1,77 ca/một triệu dân. Con số này cao hơn hẳn các nước phát triển khác ở châu Á - Thái Bình Dương: Tỷ lệ của Nhật Bản là 0,14, Hàn Quốc là 0,28 và Australia là 0,58.
Đáng chú ý, đợt bùng phát dịch lần này xảy ra kể cả khi Singapore có tỷ lệ tiêm chủng rất cao. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Singapore, hơn 4,73 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Trong số đó, hơn 4,67 triệu người, tương đương với hơn 80% dân số, đã tiêm đủ hai liều. Khoảng 724.000 người đã được tiêm mũi thứ ba. Vaccine được sử dụng hầu hết là Pfizer và Moderna.
Theo Reuters, khoảng 30% số người tử vong do Covid-19 trong tháng qua đã tiêm đủ hai mũi. Họ hầu hết thuộc nhóm người cao tuổi có bệnh nền.
Trong ngày 26/10, Singapore ghi nhận 3.277 ca mắc mới và 10 ca tử vong do Covid-19. Các nạn nhân tử vong có tuổi đời từ 66 đến 98 và đều mắc bệnh nền, ngoại trừ một người chưa được tiêm vaccine.
Theo các chuyên gia y tế Singapore, nước này cần cân bằng giữa việc chống dịch và đảm bảo cuộc sống của người dân, công việc kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra bình thường. Kéo dài biện pháp hạn chế sẽ đem lại thiệt hại to lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến tinh thần của nhân dân.
“Chính sách riêng biệt đối với những người chưa tiêm vaccine, điều đã được áp dụng, cho phép tăng cường mở cửa”, giáo sư Dale Fisher, cố vấn cấp cao tại khoa bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Theo ông, nếu những người chưa tiêm vaccine không được phép tới những nơi đông người như trung tâm thương mại, số người phải nhập viện hay sử dụng giường ICU sẽ giảm. Ở chiều ngược lại, nhưng ai đã tiêm vaccine sẽ có nhiều tự do hơn.
“Singapore có thể phải hứng chịu 2 hay 3 đợt dịch mới khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch”, ông Alex Cook, chuyên gia về mô hình dịch bệnh tại NUS, dự báo.
“Cho đến lúc đó, số ca tử vong có thể tiếp tục gia tăng, trừ khi số người gia chưa tiêm vaccine được tiêm chủng hoặc thêm nhiều người được tiêm mũi thứ ba”, ông nhận định.