60 năm bóng đá Việt
60 năm là quãng thời gian từ SEAP Games lần đầu đến SEA Games 30, đánh dấu bằng bàn mở tỉ số trận chung kết năm 1959 với Thái Lan của Đỗ Thới Vinh và khép lại bằng bàn ấn định 3-0 của Đoàn Văn Hậu trong trận chung kết năm 2019 với Indonesia.
SEA Games chỉ là giải cỏn con trong cái ao làng nhưng vì sao lại có sức hút rất lớn với người yêu bóng đá Việt?
Có lần tôi kết nối để cựu thủ môn huyền thoại Phạm Văn Rạng ngồi lại với trung vệ nổi tiếng một thời Phạm Huỳnh Tam Lang trước trận Việt Nam - Nhật Bản tại vòng chung kết Asian Cup 2007. Tại đây, tôi được nghe hai cựu tuyển thủ ôn lại câu chuyện về chiếc giày nhỏ trong năm 1959 mà bóng đá Nhật tặng các cầu thủ Việt Nam với câu nói ví von: “Nền bóng đá Nhật sánh với Việt Nam chỉ là giày nhỏ”.
Vài giờ sau buổi trò chuyện của hai cựu danh thủ đấy, trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Nhật nhẹ nhàng thắng đội tuyển Việt Nam 4-0.
Câu chuyện giày nhỏ chỉ còn là ký ức và khoảng cách của bóng đá Việt Nam với Nhật là sự chênh lệch rất lớn. Nói về khoảng cách đấy, ông Alfred Riedl, huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển Việt Nam hồi đó, chỉ đưa ra những nhận xét đơn giản: “Nhật có những ngôi sao đá ở châu Âu, có chiều cao trung bình 1,78 m, hơn hẳn cầu thủ Việt Nam về sức mạnh lẫn kỹ thuật. Họ thắng 4-0 là còn ít”.
Cũng ở thời điểm 2007 đấy, bóng đá Việt Nam đã có đến bốn trận chung kết SEA Games (1995, 1999, 2003, 2005) và cả bốn trận đều thua Thái Lan.
Thua một trận chung kết thì còn đưa ra những lý do khách quan nhưng thua đến bốn trận chung kết trong đó có trận năm 2003 trên sân nhà Mỹ Đình thì rõ là đau thật. Cũng chính vì đau và vì cái hạn chung kết (sau này đến 2009 lại thua chung kết trước Malaysia) khiến chiếc huy chương vàng (HCV) SEA Games trở nên của hiếm.
Thế nên chiếc HCV sau đúng 60 năm lại càng thêm ý nghĩa. Không chỉ là vượt qua “hạn” chung kết mà còn lan tỏa niềm vui ở một nơi mà chiếc HCV bóng đá sẽ giải quyết cho rất nhiều thứ.
60 năm với hai trận chung kết làm nên những cột mốc lịch sử, bóng đá Việt Nam có gì khác biệt so với các đối thủ?
Kể lại trận chung kết năm 1959, nhiều cựu tuyển thủ từng tự hào hồi đó chúng ta hơn hẳn Thái Lan ở kỹ thuật. Những đôi chân mà sau đó được gọi vào đội tuyển châu Á đều thua đối thủ về thể hình nhưng hơn ở độ khéo và độ quái của những đôi chân.
60 năm sau, sau năm trận chung kết đều gục ngã trước cửa thiên đường, năm 2019 đã xuất hiện một U-22 Việt Nam đẹp từ thể hình đẹp sang lối chơi và đẹp cả về mặt tinh thần. Và cái đẹp nhất nơi nhà vô địch là không còn ai đánh dấu hỏi về những bàn thua như cái cách mà trước đây thường rất hay hỏi. Thậm chí là bàn thua của Bùi Tiến Dũng hay Văn Toản thật ngớ ngẩn nhưng tất cả đều xem đó là tai nạn thay cho những ngờ vực.
Trở lại với trận thua Nhật mà HLV Alfred Riedl từng lấy chiều cao của đối thủ ra làm thước đo thì bây giờ trong thành phần đội trẻ Việt Nam vô địch SEA Games không ít cầu thủ trên 1,78 m, thậm chí là trên cả 1,80 m, hay 1,86 m như Đoàn Văn Hậu. Hoặc những thống kê trước kia cho thấy cầu thủ Việt Nam chỉ đủ sức chạy đến phút 70 thì bây giờ các cầu thủ đều sẵn sàng thể lực cho những trận đá đủ 120 phút.
Nhiều người hay nhắc đến ông Park Hang-seo và êkíp HLV người Hàn Quốc như những người có đũa thần làm thay đổi hẳn một nền bóng đá. Thực chất thì họ chỉ là những người đưa bóng đá Việt Nam đạt đúng với những tiềm năng của mình. Phát biểu của HLV Park Hang-seo là một minh chứng cho mối duyên của thầy Hàn với bóng đá Việt nhiều hơn là “phép thần”.
Khơi dậy một sự khát khao; gắn kết những mắt xích trong một tập thể mà mỗi người làm tốt phần việc của mình (từ người phiên dịch đến các trợ lý mỗi người mỗi việc); đặt đúng và khai thác đúng những tiềm năng… Giờ đây, khi đã có những thành tích được tạo nên đúng với khả năng thì phần phát triển lên tầm mới sẽ đòi hỏi rất nhiều thứ phải đồng bộ.
HLV Park Hang-seo, các cộng sự và những học trò của ông đã kích hoạt hàng loạt vấn đề trong một nền bóng đá qua những chiến tích đạt được. Trong số đó, cái ngưỡng khó nhất là ngán ngại Thái Lan và HCV SEA Games thì thế hệ ngày nay đã vượt qua được. Không còn sợ và ngại Thái trong khi HCV SEA Games thì đã đạt được. Giờ là sự đồng bộ trong việc nâng cấp của cả nền bóng đá mà thời gian qua, một số ông bầu hoặc lò bóng đá tự thân hoạt động.
60 năm bóng đá Việt có thể chia ra làm bốn giai đoạn
+ 1959-1975, giai đoạn này sách Sơ thảo lịch sử bóng đá Việt Nam của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề cập sự phát triển của bóng đá hai miền trong giai đoạn chiến tranh có những điểm nhấn riêng. Miền Nam có SEAP Games và Merdeka, miền Bắc có Ganefo… và phải đến ngày 7-11-1976 mới có trận đấu đầu tiên của bóng đá hai miền sau ngày thống nhất đất nước.
+ 1976-1994 là giai đoạn hội nhập trong đó có việc trở lại SEA Games vào năm 1991.
+ 1995-2017 là giai đoạn dò dẫm với nhiều đời HLV ngoại nhưng vẫn không tìm ra được bản sắc riêng dù đã có một lần vô địch AFF Cup 2008.
+ 2018-2019, giai đoạn gắn bó với HLV Park Hang-seo cũng là giai đoạn hái quả từ những lò bóng đá được phát huy bởi êkíp HLV giàu năng lực.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xuan-canh-ty-2020/60-nam-bong-da-viet-884910.html