60 năm ngôi làng dưới chân đèo Ngang mang tên 'Làng 19-5'
Làng 19-5 nằm bên vịnh Hòn La, dưới chân đèo Ngang, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, các thế hệ người dân nơi đây luôn tự hào với tên làng gắn liền ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại.
Trong kháng chiến chống Mỹ, làng 19-5 nằm ở vị trí quan trọng, ngày đêm bị máy bay Mỹ ném bom. Hàng trăm tấn bom đạn trút xuống nơi này nhưng vẫn không khuất phục được ý chí son sắt, quyết tâm bám đất bám làng của người dân nơi đây.
Ngày 19/5/1960, 2 đội thanh niên xung kích đã hăng hái lên đường đi kinh tế mới. Lúc bấy giờ, nơi họ đến lập làng lập xóm là mảnh đất hoang vắng không bóng người ở. Đội thanh niên xung kích đã khai hoang phục hóa trên 40 ha đất, sau đó trồng khoai, sắn và mía với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Tháng 10 năm 1963, dân số tại vùng kinh tế mới tăng lên khoảng 40 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, được đặt tên Làng Mới. Năm 1964, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, cấp trên quyết định đặt tên thành làng 19-5 theo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Đậu Văn Kế, người dân làng 19 tháng 5, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch rất tự hào: “Từ khi mang tên làng 19-5 cho đến bây giờ, làng chúng tôi trải qua nhiều thăng trầm, đi từ chiến tranh cho đến hòa bình, nhưng người dân làng 19-5 vẫn bám làng bám đất trụ lại, vừa sản xuất vừa chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, người làng 19-5 dựa vào thế mạnh gần biển, lấy nghề đi biển gần bờ làm thu nhập chính. Những chiếc thuyền nan của ngư dân dần được thay thế bằng thuyền máy. Nhờ phát huy thế mạnh bám biển làm giàu, có gia đình mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ đánh bắt thủy sản.
Ông Nguyễn Thanh Đông, trưởng thôn 19-5, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch cho biết, sau ngày thống nhất đất nước, làng 19-5 có hợp tác xã phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng lò ngói, lò vôi. Sản phẩm ngói 19-5 nổi tiếng một thời. Về nông nghiệp, bên cạnh sản xuất lúa 2 vụ, người dân địa phương mua sắm ngư lưới cụ, mở rộng ngư trường sản xuất đánh bắt thủy sản. Ngoài khai thác và nuôi trồng hải sản, với vị trí địa lý nằm trong Khu kinh tế Hòn La và cạnh Quốc lộ 1A, người dân nơi đây đã đầu tư buôn bán, làm dịch vụ. Cùng với đó, người làng cũng tìm hướng đi mới từ xuất khẩu lao động đem về nguồn ngoại tệ giúp làm giàu gia đình, xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Thanh Đông bày tỏ, thôn đã tuyên truyền vận động cán bộ và nhân dân kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước và của địa phương. Vận động bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, trong đó tập trung phát triển về kinh tế, thương mại, dịch vụ nhưng vẫn chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa”.
Năm 2013, làng 19-5 được công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa và giữ vững danh hiệu này đến nay. Qua 60 năm hình thành và phát triển, từ một xóm nhỏ với mấy chục nóc nhà đơn sơ, đến nay, cuộc sống của nhân dân làng 19/5 đã có nhiều đổi thay. Làng 19-5 hiện nay có 327 hộ dân với trên 1000 nhân khẩu, gần 1 nửa dân số trong độ tuổi lao động. Nhiều hộ dân nơi miền chân sóng đã biết vượt khó vươn lên, có thu nhập đến 100 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng/người/năm.
Ngày 19/5 năm nay, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ và cũng là kỷ niệm 60 năm ngày thành lập làng 19-5. Trải qua 60 năm thăng trầm, buồn vui và hạnh phúc, dân làng 19-5 luôn phấn đấu, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Dân làng đã đóng góp nguồn lực trên 3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và đang quyết tâm đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu xanh, sạch đẹp trong năm 2024.
Ông Lê Chí Tương, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch cho biết, những ngày này, dân làng đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm sinh nhật Bác và sinh nhật làng.
Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, người dân làng 19-5 rất đoàn kết, luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là quy ước, nội quy của địa phương. Vì vậy, trong thời gian qua, mọi chính sách về phát triển kinh tế xã hội được người dân đồng thuận, thực hiện tốt. Nhờ đó, kinh tế xã hội của địa phương và của từng hộ gia đình trong làng ngày càng phát triển năm sau cao hơn năm trước.