Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần

60 năm trôi qua, phong trào 'Ba sẵn sàng' với tinh thần: sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần, đã thôi thúc lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam luôn xung kích, tình nguyện cống hiến sức trẻ cho nền độc lập, tự do, sự phát triển của đất nước.

Xếp bút nghiên lên đường

Ông Hàn Tiến Nhâm (SN 1942, Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội), là một trong những thanh niên đầu tiên của Hà Nội tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Hiện, ở độ tuổi 82 nhưng ông Nhâm vẫn còn rất minh mẫn, nhớ như in những ngày mùa Thu năm 1964 sục sôi khí thế xung phong, cống hiến của thanh niên Thủ đô.

Ông Nhâm kể, trong không khí cả nước sục sôi chống Mỹ cứu nước, ngày 9/8/1964, Thành Đoàn Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng” tạo nên một luồng gió mới, khơi dậy hào khí Thăng Long, thôi thúc thanh niên Thủ đô sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kỳ việc gì mà Đảng, Đoàn yêu cầu. Cuối tháng 8 năm đó, Hà Nội thông báo tuyển thanh niên xung phong tình nguyện mở đường 13C. Đây là con đường giao thông chiến lược nối tỉnh Yên Bái với Lào Cai.

Chỉ sau 2 tuần phát động, Hà Nội đã có gần 1.400 thanh niên tham gia lập thành 7 đại đội. Chàng trai Hàn Tiến Nhâm lúc đó vừa học xong lớp 10 (hệ 10 năm), quyết định gác bút nghiên hăng hái tham gia thanh niên xung phong.

Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, thanh niên Hà Tây nô nức lên đường vì Tổ quốc (tháng 8/1964). Ảnh: Kim Hùng/TTXVN

Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, thanh niên Hà Tây nô nức lên đường vì Tổ quốc (tháng 8/1964). Ảnh: Kim Hùng/TTXVN

Ông Nhâm nhớ, công trường 13C vô cùng gian khổ, khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nắng cháy lưng, mưa như thác đổ, nhưng những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong vẫn lao động hăng say quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. “Hơn một năm sau, mặt đường toàn tuyến đường 13C cơ bản hoàn thành. Chúng tôi rất tự hào vì trong thành quả chung đó có mồ hôi, trí tuệ của thanh niên Hà Nội”, ông Nhâm xúc động nói.

Ông Nguyễn Du (SN 1943, ở Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm), xung phong làm nhiệm vụ ở Đội Đại tu đường sắt, mở đường sắt từ Yên Bái đến Lào Cai để vận tải quân lương, khí tài phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi vừa tròn 20 tuổi. Lúc đó, ông đang là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Với năng khiếu mỹ thuật của mình, chàng trai trẻ Nguyễn Du ngày ấy vừa tham gia phá núi mở đường, cải tạo tuyến đường sắt, vừa kẻ vẽ những khẩu hiệu, báo tường, tranh cổ động, sáng tác các vở kịch ngắn để cổ vũ cho đơn vị, địa phương nơi đóng quân. Những tác phẩm nghệ thuật của ông đã mang đến màu sắc tươi mới nơi công trường nắng gió khắc nghiệt.

Phát huy tinh thần thanh niên “Ba sẵn sàng”, trở về cuộc sống đời thường khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Du tiếp tục thiết kế nhiều logo, như: Logo Olympic Cơ học toàn quốc (hiện đang sử dụng làm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng để trao cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng đoạt giải); logo Trường Đại học Thương mại; logo Hội Cựu TNXP Việt Nam sử dụng suốt gần 20 năm nay. Ở tuổi 81, hiện ông vẫn không ngừng nghỉ sáng tác với tinh thần “sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời”.

Đưa đất nước phát triển phồn vinh

Họa sĩ Nguyễn Du vẽ tranh cổ động chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Họa sĩ Nguyễn Du vẽ tranh cổ động chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Trường Đại học Sư phạm là “cái nôi” của phong trào “Ba sẵn sàng”. Cách đây 60 năm, trong khí thế sục sôi chống Mỹ xâm lược và bối cảnh quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1961 - 1965, hàng ngàn đoàn viên, sinh viên trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã dấy lên tinh thần xung phong, sẵn sàng nhận bất kì nhiệm vụ nào mà Đảng, Đoàn và Nhà trường giao phó. Trong bối cảnh đó, dưới mái trường này, BCH Đoàn trường đã phát động phong trào “Tam bất kì”, sau đó được đổi tên thành phong trào “Ba sẵn sàng”.

Phong trào “Ba sẵn sàng” ra đời nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Riêng tháng 8/1964, hơn 1 triệu nam nữ thanh niên sinh viên của tất cả các tỉnh thành miền Bắc đăng kí tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của phong trào này, tháng 3/1965, T.Ư Đoàn chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ba sẵn sàng đã trở thành phong trào cách mạng rộng lớn của thanh niên.

Vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 30/4/1964, tại nghĩa trang Mai Dịch, Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khí thế sẵn sàng lên đường cứu nước, bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ Thủ đô lan ra mạnh mẽ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội,… Trước yêu cầu mới, đặc biệt là sau khi Mỹ tiến hành ném bom phá hoại miền Bắc, tháng 8/1964, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp phiên bất thường, quyết định phát động phong trào Ba sẵn sàng với ba nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Tiếp nối tinh thần phong trào “Ba sẵn sàng”, gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm sau đó, nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi của sinh viên, thanh niên Việt Nam đã hình thành và phát triển, trong đó, có phong trào Thanh niên tình nguyện. Đến nay, phong trào Thanh niên tình nguyện đã trải qua 25 năm, trở thành một dấu ấn nổi bật, trường học thực tiễn phong phú và sinh động để các bạn trẻ trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành.

TS. Võ Thế Quân - cựu Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, thanh niên phải tiên phong đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

LƯU TRINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/60-nam-phong-trao-ba-san-sang-san-sang-di-bat-cu-dau-lam-bat-cu-viec-gi-to-quoc-can-post1662135.tpo