60 ngày lại thu một lứa cây gai xanh, nông dân đút tiền vào túi
Ở Phú Thọ, cây gai xanh đang dần phủ màu xanh mướt trên nhiều đồng đất thôn quê, mở ra hướng làm giàu cho bà con nông dân.
Trồng cây gai xanh đất tơi xốp, lợi nhuận hơn trồng màu
Năm 2021, UBND huyện Cẩm Khê phối hợp với Công ty An Phước (Hà Nội) tổ chức trồng cây gai xanh AP1 tại xã Phượng Vỹ (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Đến nay, cả một vùng đất trước chỉ trồng ngô, sắn, mía được phủ xanh bởi những ruộng cây gai xanh tươi tốt.
Trồng cây gai xanh đã cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội, cao hơn 2-4 lần so với trồng cây màu truyền thống. Ảnh: Thu Giang
Chỉ sau thời gian ngắn, cây gai xanh trồng trên đồng đất ở xã Phượng Vỹ đã cho thấy ưu thế đa lợi ích. Bên cạnh lợi ích kinh tế rõ rệt, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất lớn.
Ông Trần Văn Toản (ở khu Trại Cụ, xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) là người tiên phong trồng 4 sào cây gai xanh, thay thế dần các cây hoa màu kém hiệu quả truyền thống trong xã. Theo ông Toản, cây gai xanh có ưu điểm nổi bật như không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh hại, không tốn kém chi phí đầu tư.
"Năm vừa rồi, ruộng trồng caa gai xanh cho gia đình tôi thu hoạch 5 lứa, trừ chi phí, mỗi sào lãi gần 10 triệu đồng/năm. Cái hay nhất của mô hình này là bà con chỉ việc trồng, chăm sóc đúng hướng dẫn kỹ thuật, mọi khâu còn lại đã có doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông hướng dẫn, thu mua sản phẩm ổn định. Trước đây làm ruộng chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, giá cả thị trường, giờ trồng cây gai xanh, mỗi lứa chưa đến 60 ngày được thu hoạch, yên tâm đút tiền vào túi thôi" - ông Toản nói.
Trồng cây giống gai xanh lần đầu, thu hoạch vụ đầu tiên; cứ thế để lưu gốc, tiếp tục chăm sóc và cho thu hoạch liên tiếp trong vòng 10 năm. Ảnh: Thu Giang
Nhận thấy những tiềm năng lớn từ cây gai xanh, ngay trong năm 2021, ông Nguyễn Văn Chủ (ở xóm Đạt, xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã đề nghị với chính quyền địa phương phối hợp với Công ty An Phước có kế hoạch cụ thể, bài bản về quy mô trồng cây gai xanh. Đồng thời, ông Chủ còn thành lập HTX Tân Hợp do ông làm Giám đốc HTX.
Cũng kể từ đây, HTX Tân Hợp đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp để đưa cây gai xanh trở thành cây trồng chủ lực. Từ đó, xây dựng chính sách phát triển riêng, giúp bà con miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu bằng cây trồng này.
Thu hoạch cây gai xanh bằng cách chặt sát gốc, phát hết lá và ngọn tại ruộng; cho thân cây vào máy tuốt lấy vỏ. Ảnh: Thu Giang
Đồng thời, các thành viên trong HTX còn đưa máy móc hiện đại vào làm, cải tạo đất; lựa chọn giống cây tốt, lên phương án đối phó với sâu bệnh hại; cơ giới hóa công đoạn thu hoạch để giải phóng sức lao động…
Đánh giá về hiệu quả từ cây gai xanh, ông Nguyễn Văn Chủ - Giám đốc HTX Tân Hợp cho biết, cây gai xanh rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Bên cạnh đó, cây gai xanh chịu hạn tốt, dễ trồng, chăm sóc, rất ít sâu bệnh. Đặc biệt, bà con đầu tư giống trồng 1 lần sẽ cho thu hoạch trong 5-10 năm, mỗi năm thu từ 4-5 lứa.
"Từ diện tích ban đầu với 3ha, nay HTX đã tăng lên 16ha trồng cây gai xanh. Năng suất bình quân vỏ khô từ cây gai xanh đạt khoảng 1,8 tấn/ha, được doanh nghiệp thu mua đạt 45-47 triệu đồng/tấn, mang lại 120-145 triệu đồng/ha/năm cho nông dân. Giá trị thu hoạch từ cây gai xanh cao hơn 2-4 lần so với trồng cây lúa, ngô, sắn trên cùng diện tích" - ông Chủ nói.
Sau khi tách, vỏ cây gai xanh được phơi khoảng 3 ngày để cho nhẹ, mềm sợi; gom bó lại vỏ khô bán cho doanh nghiệp thu mua. Ảnh: Thu Giang
Cây gai xanh mở ra hướng phát triển kinh tế mới
Là người đầu tiên đưa cây gai xanh về trồng tại tỉnh Phú Thọ, ông Lê Minh Chiến - Giám đốc HTX Gai Cường Thịnh cho biết, mô hình liên kết trồng cây gai xanh giúp người dân từng bước làm quen với phương thức trồng thâm canh gai hàng hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo cầu nối gắn kết nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Mặt khác, từ mô hình này sẽ tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Để người dân yên tâm chuyển đổi sang trồng cây gai xanh, nâng cao thu nhập, ông Chiến cũng kiến nghị, thời gian tới, Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục phối hợp với ngành Khuyến nông theo dõi, đánh giá để có khuyến cáo cụ thể cho các hộ nông dân trên địa bàn.
Cây gai xanh đang trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều vùng nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế đến 150 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Thu Giang
Bên cạnh đó, cần xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh gắn với thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.
Đến nay, cây gai xanh tại tỉnh Phú Thọ đa số được trồng trên đất bãi, với khoảng 100ha trải rộng ở các huyện Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Tân Sơn, Yên Lập… Cây gai xanh đã cho người nông dân những vụ thu liên tiếp, vụ thu nào cũng thắng lợi, mở ra hướng đi mới trên đồng đất ở các làng quê nông thôn.
Ngành chức năng tỉnh Phú Thọ khuyến cáo nông dân là không nên phát triển nóng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh để tránh tình trạng cung vượt cầu. Người dân cần trồng cây gai xanh theo diện tích trong vùng quy hoạch hoặc theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, bởi nếu trồng ồ ạt mà không được tiêu thụ kịp thời, thì bên thiệt hại lớn nhất sẽ là người nông dân.