60 ngày trước bầu cử: Tại sao nước Mỹ chia rẽ trầm trọng?

Xã hội Mỹ đang bị phân cực hơn bao giờ hết. Để hiểu tại sao tâm lý của cử tri Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ngày bị chia rẽ và trái ngược hoàn toàn, nên nhìn lại lịch sử thế kỷ 20 và sự thay đổi của các giá trị, văn hóa, và cơ cấu nền kinh tế Mỹ.

Lời tòa soạn: Chưa đầy 2 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ quyết định bầu ai trở thành Tổng thống tiếp theo. Mọi con mắt đang hướng về Mỹ trong thời điểm đầy căng thẳng trước bầu cử. Với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, VietNamNet xin giới thiệu “cẩm nang” 5 bài viết để hiểu về những diễn biến chính trị tại Mỹ hướng tới cuộc bầu cử này.

Con lừa là linh vật của Đảng Dân chủ, và con voi là linh vật của Đảng Cộng hòa. Hình minh họa: Northeastern

Con lừa là linh vật của Đảng Dân chủ, và con voi là linh vật của Đảng Cộng hòa. Hình minh họa: Northeastern

Xem Phần 1: Bầu cử Mỹ sẽ diễn ra như thế nào?

Xem Phần 2: Một cuộc bầu cử không có tiền lệ

Xem Phần 3: Hai nền tảng chính sách đối lập

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ diễn ra vào thời điểm nước Mỹ bị chia rẽ hơn bao giờ hết, khi cả hai phe đều tin chắc rằng phe kia sẽ hủy diệt đất nước nếu họ giành được chiến thắng chính trị. Quá trình phân cực này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng gần đây các học giả Mỹ đã nhắc tới xu hướng phân cực dựa trên cảm xúc (affective polarization), khi mà phe đối lập không chỉ được coi là có chính sách không đồng thuận đối với phe kia, mà còn bị coi là sai trái về mặt đạo đức ở mức độ cơ bản nhất. Những cảm xúc mạnh mẽ chống lại phe đối lập sẽ khiến cho một phe ngày càng có cảm tình với những người chia sẻ hệ tư tưởng của mình, và coi bất kỳ thành công nào của phe đối lập là mối đe dọa hiện hữu đối với tương lai của quốc gia.

Sự phân cực này không phải là một diễn biến đột ngột, mà là kết quả của sự chia rẽ ngày càng nặng nề trong văn hóa, kinh tế, và xã hội Mỹ trong những năm qua. Theo Pew Research, nền chính trị Mỹ đã chuyển từ một hệ thống sẵn sàng thỏa hiệp sang sự cứng nhắc trong ý thức hệ. Nhà khoa học chính trị Michael Hais đã chỉ ra, người Mỹ ngày càng gắn bó nhau bởi hai thế giới quan hoàn toàn khác biệt. Một bên – phe Cộng hòa – coi thế giới bên ngoài là nguy hiểm và cần sự bảo vệ mạnh mẽ của chính phủ, trong khi bên kia – phe Dân chủ - tin vào các giá trị nhân loại, rằng hợp tác với lẫn nhau là cần thiết để giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới.

Thậm chí, sự bi quan về tương lai của nước Mỹ còn lan rộng đến cả những người cảm thấy hài lòng với cuộc sống cá nhân. Mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người Mỹ đánh giá cao cộng đồng địa phương và cuộc sống của mình, nhưng họ lại tỏ ra lo ngại về tình hình chung của đất nước. Sự đối lập giữa sự hài lòng cá nhân và nỗi lo âu về tương lai quốc gia đã tạo ra một bầu không khí chính trị đầy bất ổn. Cử tri hai đảng đều tin rằng chính cộng đồng của mình mới nắm giữ giải pháp cho các vấn đề của đất nước và thường bày tỏ sự nghi ngờ, thậm chí là thù ghét đối với phe đối lập. Điều này dẫn đến tình trạng phân cực sâu sắc trong xã hội Mỹ, khiến cho việc tìm kiếm tiếng nói chung trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nền chính trị Mỹ đã chuyển từ một hệ thống sẵn sàng thỏa hiệp sang sự cứng nhắc trong ý thức hệ. Người Mỹ ngày càng gắn bó nhau bởi hai thế giới quan hoàn toàn khác biệt. Phe Cộng hòa coi thế giới bên ngoài là nguy hiểm và cần sự bảo vệ mạnh mẽ của chính phủ; phe Dân chủ tin vào các giá trị nhân loại, rằng hợp tác với lẫn nhau là cần thiết để giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới.

Nhiều người Mỹ tin rằng cách duy nhất để an tâm về tương lai của đất nước là có một nhà lãnh đạo đại diện cho phe phái của họ lên nắm quyền. Họ hy vọng rằng vị lãnh đạo này sẽ thúc đẩy những chính sách phù hợp với lợi ích của nhóm mình. Tuy nhiên, điều này càng làm sâu sắc thêm tình trạng phân cực. Khi một phe cảm thấy được đại diện và lắng nghe, phe còn lại sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, dẫn đến sự đối đầu và bất ổn xã hội. Việc chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu của một nửa dân số sẽ làm xói mòn sự đoàn kết quốc gia, khiến cho việc giải quyết các vấn đề chung trở nên khó khăn hơn.

Sự chia rẽ ngày càng gia tăng này sẽ có hệ lụy trong cuộc bầu cử sắp tới. Đầu tiên, nó có nguy cơ đẩy nước Mỹ gần hơn với bạo lực chính trị, như chúng ta đã chứng kiến vào năm 2020 với các vụ bạo loạn sau cái chết của George Floyd, và năm 2021 trong cuộc bạo loạn tại Điện Capitol. Các học giả và nhà phân tích cảnh Báo rằng với mỗi bên quá cố chấp trong niềm tin rằng bên kia là mối đe dọa, khả năng bùng phát bạo lực sẽ ngày càng tăng lên. Trong khi nhiều cử tri Mỹ quan tâm đến chính trị hơn bao giờ hết, điều này cũng có thể dẫn đến sự thất vọng khắp xã hội nếu không đạt được kết quả mong muốn, do cả hai phe đều đang huy động cử tri bằng cách “quỷ hóa” phe đối lập. Nếu kết quả bầu cử bị phản đối hay một phần lớn cử tri coi là bất hợp pháp, khả năng cao là bạo lực chính trị sẽ tái bùng phát trong cuộc bầu cử sắp tới.

Những thay đổi trong cơ cấu xã hội, văn hóa, và nền kinh tê đã làm tâm lý thành thị và nông thôn của Mỹ trở nên ngày càng khác nhau. Ảnh minh họa: The Hill

Những thay đổi trong cơ cấu xã hội, văn hóa, và nền kinh tê đã làm tâm lý thành thị và nông thôn của Mỹ trở nên ngày càng khác nhau. Ảnh minh họa: The Hill

Tâm lý của cử tri Đảng Cộng hòa

Để giải thích động lực đằng sau lý do cử tri Mỹ quyết định gắn liền với hệ tư tưởng của Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, chúng ta cũng cần phải hiểu cơ cấu xã hội và kinh tế của nước Mỹ đương đại. Phần lớn cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump và đảng Cộng hòa đến từ tầng lớp trung lưu trở xuống, và chủ yếu là những người da trắng sinh sống ở các vùng nông thôn. Tất nhiên, nhiều cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa cũng nằm trong tầng lớp thượng lưu; có trình độ học vấn cao và quan điểm xã hội ôn hòa hơn. Theo một phân tích của New York Times, số người này chiếm khoảng 14% tổng số cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa, nhưng nhiều người trong số họ đi theo phong trào “Never Trump” (không bao giờ ủng hộ ông Trump), và sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ ai ngoài ông Trump. Vì vậy, cơ hội thắng cử của ông Trump sẽ có thể được giải thích tốt hơn khi tập trung vào khoảng 60-70% cử tri Cộng hòa đi theo chủ nghĩa dân túy và cánh hữu.

Trong phần lớn lịch sử Mỹ, nhóm cử tri này đã là những thành viên được hưởng nhiều lợi ích nhất từ hệ thống kinh tế và xã hội. Từ thời kỳ nô lệ đến sự bùng nổ của nền kinh tế Mỹ sau Thế chiến thứ hai, khi Mỹ trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, những người da trắng thuộc tầng lớp lao động liên tục có khả năng vươn lên và leo nấc thang xã hội, giúp họ đạt được Giấc mơ Mỹ và luôn sống với thái độ lạc quan, tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

Quá trình toàn cầu hóa đã gây ra những cú sốc mạnh mẽ đối với nền kinh tế Mỹ. Sự dịch chuyển của các ngành công nghiệp nặng từ Trung Tây sang các nước Đông Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn, đã dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt nhà máy và mất việc làm hàng loạt. Những thành phố công nghiệp từng sầm uất như Detroit, Pittsburgh đã trở nên tàn tạ. Sự suy giảm kinh tế đã làm xói mòn nền tảng cuộc sống của nhiều gia đình, khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi và phẫn nộ.

Việc mất đi công việc ổn định và cơ hội thăng tiến đã làm lung lay niềm tin của tầng lớp lao động vào Giấc mơ Mỹ. Họ cho rằng chính phủ và các tập đoàn lớn đã ưu ái cho các lợi ích của mình hơn là lợi ích của người lao động. Sự thất vọng này đã khiến họ tìm kiếm những giải pháp thay thế và quay lưng lại với các chính sách kinh tế truyền thống. Điều này đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các phong trào dân túy và bảo thủ, những phong trào hứa hẹn sẽ khôi phục lại sự thịnh vượng của nước Mỹ và bảo vệ lợi ích của người lao động.

Sự đa dạng sắc tộc của Mỹ ngày càng phong phú với các làn sóng nhập cư liên tục từ châu Á và Mỹ Latinh. Từ giữa thế kỷ 20, chính sách nhập cư linh hoạt hơn đã thu hút hàng triệu người tài từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ, tạo nên một xã hội đa văn hóa sôi động. Những người nhập cư này mang theo ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng với những kỹ năng và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ để chinh phục "Giấc mơ Mỹ". Thành công của cộng đồng người nhập cư châu Á là một minh chứng rõ nét cho điều đó. Theo thống kê năm 2015, người Ấn Độ, Philippines, Đài Loan, Sri Lanka, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc và Pakistan lần lượt dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người. Ngược lại, người Mỹ gốc Âu, vốn là nhóm chiếm đa số trong quá khứ, hiện chỉ đứng thứ 9. Điều này cho thấy, sự năng động và tinh thần cầu tiến của người nhập cư đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Mỹ

Trong cuộc bầu cử này, Donald Trump không chỉ là một ứng cử viên, mà còn là biểu tượng của sự kháng cự với giới tinh hoa chính trị, và niềm hy vọng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Trong khi các thành phố lớn tại Mỹ phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới, đặc biệt là từ cộng đồng người nhập cư châu Á, thì nhiều vùng nông thôn lại đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế. Hệ số Gini của Mỹ, một chỉ số đo lường mức độ bất bình đẳng về thu nhập, đã tăng đáng kể, cho thấy khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Sự thành công của người nhập cư châu Á, cùng với cảm giác bị bỏ rơi của tầng lớp lao động da trắng, đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng và dẫn đến thái độ chống lại làn sóng nhập cư mới từ Mexico và Mỹ Latinh. Nỗi sợ mất việc làm, sự cạnh tranh về các nguồn lực, và những quan niệm sai lệch về văn hóa đã khiến nhiều người đổ lỗi cho người nhập cư về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt, bất chấp thực tế rằng các vấn đề kinh tế sâu xa hơn mới là nguyên nhân chính.

Song song với làn sóng nhập cư, các phong trào xã hội mạnh mẽ như phong trào dân quyền, nữ quyền và đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT đã làm rung chuyển nền tảng của xã hội Mỹ. Những thành tựu của các phong trào này, trong khi mang lại sự tiến bộ, cũng đồng thời tạo ra những căng thẳng xã hội sâu sắc. Những nhóm người trước đây được xem là đại diện cho đa số, đặc biệt là nam giới da trắng, cảm thấy vị thế của mình bị thách thức. Cảm giác mất đi đặc quyền và sự thay đổi nhanh chóng của cấu trúc xã hội đã dẫn đến sự phản kháng và bất mãn trong một bộ phận không nhỏ dân cư. Phần lớn cử tri Cộng hòa ngày nay cũng là những người theo đạo Thiên chúa tận hiến đối với đức tin của họ, và họ cho rằng các phong trào này đã tạo nên một xã hội trái ngược hoàn toàn với các giá trị tôn giáo của họ. Điều này đã tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt về bản sắc quốc gia, giá trị truyền thống và quyền lợi của các nhóm dân cư khác nhau.

Chính trong bối cảnh này, Donald Trump đã xuất hiện trong năm 2016 như một tiếng nói cho những cộng đồng cảm thấy họ không thuộc về các giá trị mới của một nước Mỹ hiện đại. Bằng cách hứa hẹn đem lại việc làm, hạn chế nhập cư, và tái thiết nền kinh tế nội địa, Trump đã khơi dậy hy vọng trong lòng những người từng cảm thấy rằng họ đã mất tất cả. Trong bốn năm tại Nhà Trắng, Trump đã một lần nữa đưa những người này quay trở lại trung tâm của xã hội Mỹ, và khi Biden thắng cử, họ cảm thấy rằng các “thế lực” tại Washington đã tước đi vị lãnh đạo họ cần bây giờ hơn bao giờ hết. Vì vậy, trong cuộc bầu cử này, Trump không chỉ là một ứng cử viên, mà còn là biểu tượng của sự kháng cự với giới tinh hoa chính trị, và niềm hy vọng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Sự chia rẽ trong tư tưởng giữa các thành phố lớn và vùng nông thôn có thể thấy rõ tại tiểu bang dao động Wisconsin, nơi Tổng thống Biden đã giành chiến thắng sát nút trong cuộc bầu cử năm 2020, chỉ giành được hơn 20,000 phiếu bầu so với ông Trump. Bản đồ: The Spectator

Sự chia rẽ trong tư tưởng giữa các thành phố lớn và vùng nông thôn có thể thấy rõ tại tiểu bang dao động Wisconsin, nơi Tổng thống Biden đã giành chiến thắng sát nút trong cuộc bầu cử năm 2020, chỉ giành được hơn 20,000 phiếu bầu so với ông Trump. Bản đồ: The Spectator

Tâm lý của cử tri đảng Dân chủ

Ngược lại, phần lớn cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ sống ở các thành phố lớn dọc bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, nơi có sự đa dạng sắc tộc, điều kiện kinh tế thuận lợi hơn và chất lượng cuộc sống cao hơn. Lớn lên trong một môi trường hòa thuận, nơi các giá trị con người và bình đẳng được nâng cao, và nơi các phong trào nhân quyền và quyền LGBT ra đời, họ sẽ ủng hộ các chính sách xã hội tiến bộ hơn so với cử tri ở vùng nông thôn và các thành phố nhỏ. Họ tin rằng một xã hội tiến bộ là một xã hội nơi mọi người, bất kể xuất thân, giới tính hay xu hướng tình dục, đều có cơ hội phát triển và thành công. Những thay đổi xã hội, trong mắt họ, không phải là mối đe dọa mà là cơ hội để xây dựng một nước Mỹ tốt đẹp hơn, công bằng hơn.

Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục công bằng, và các chương trình hỗ trợ người yếu thế. Đối với cử tri Đảng Dân chủ, việc Nhà nước quan tâm, đảm bảo mọi người đều được hưởng các phúc lợi xã hội là minh chứng cho một xã hội văn minh, tiến bộ. Họ kỳ vọng Nhà nước sẽ nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện bình đẳng để mọi người cùng phát triển. Không chỉ bảo vệ quyền lợi của các nhóm người dễ bị tổn thương, họ còn mong muốn nước Mỹ trở thành tấm gương sáng về sự đa dạng và tiến bộ, một nơi mà mọi người đều có cơ hội sống tốt đẹp.

Đối với nhóm cử tri này, toàn cầu hóa không phải là mối đe dọa mà là cơ hội vàng để nước Mỹ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Họ tin rằng việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cho mọi tầng lớp xã hội, không chỉ các tập đoàn lớn. Nếu được điều hành một cách minh bạch và công bằng, quá trình này sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân Mỹ. Họ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như công nghệ, môi trường và nhân quyền, cho rằng đây là những yếu tố then chốt để nước Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo thế giới. Họ kỳ vọng chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ cùng nhau nỗ lực giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng.

Đối với cử tri Đảng Dân chủ, việc Nhà nước quan tâm, đảm bảo mọi người đều được hưởng các phúc lợi xã hội là minh chứng cho một xã hội văn minh, tiến bộ. Họ kỳ vọng Nhà nước sẽ nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện bình đẳng để mọi người cùng phát triển. Không chỉ bảo vệ quyền lợi của các nhóm người dễ bị tổn thương, họ còn mong muốn nước Mỹ trở thành tấm gương sáng về sự đa dạng và tiến bộ, một nơi mọi người đều có cơ hội sống tốt đẹp.

Cơ cấu kinh tế hiện đại, với sự trỗi dậy của các ngành công nghệ cao, tài chính và dịch vụ, đã tạo ra một lớp trung lưu mới tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Nhóm người này thường có mức sống cao, được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và có xu hướng quan tâm đến các vấn đề xã hội. Việc làm trong các ngành dịch vụ đòi hỏi sự giao tiếp và hợp tác, khiến họ có tư duy cởi mở và tôn trọng sự đa dạng. Do đó, họ dễ dàng đồng thuận với các chính sách của Đảng Dân chủ, vốn nhấn mạnh đến sự bình đẳng, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Việc các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống đã được đáp ứng cho phép họ dành thời gian và nguồn lực để tham gia vào các phong trào xã hội như Occupy Wall Street, Black Lives Matter hay các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine. Điều này cho thấy một mối liên kết chặt chẽ giữa cấu trúc kinh tế, tư duy xã hội và sự lựa chọn chính trị của nhóm cử tri này.

Cử tri Mỹ bỏ phiếu tại Detroit, thành phố lớn nhất tiểu bang dao động Michigan, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Ảnh: Votebeat

Cử tri Mỹ bỏ phiếu tại Detroit, thành phố lớn nhất tiểu bang dao động Michigan, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Ảnh: Votebeat

Sự chia rẽ trong hệ tư tưởng

Tuy nhiên, cách nhìn thế giới một cách lý tưởng này gần như không thể áp dụng ở bất kỳ đâu khác tại Mỹ, nơi các cộng đồng phải đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội hoàn toàn khác. Trong khi những cử tri Dân chủ ở các thành phố giàu có có thể dễ dàng tiếp nhận và đồng tình với các phong trào xã hội tiến bộ, thì những cử tri Cộng hòa ở các vùng nông thôn và các thành phố nhỏ thường không có đủ điều kiện kinh tế để quan tâm đến những vấn đề này. Đối với họ, việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày và duy trì sinh kế là những ưu tiên hàng đầu, và họ cảm thấy rằng những lý tưởng xã hội lớn lao mà cử tri Đảng Dân chủ không những phục vụ lợi ích của mình, mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đến điều kiện an sinh xã hội.

Nền kinh tế của các vùng nông thôn và thành phố nhỏ tại Mỹ chủ yếu dựa vào các ngành truyền thống như nông nghiệp, khai thác và chế biến. Những ngành này không chỉ chịu tác động tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa mà còn khó tận dụng được những lợi ích từ công nghệ cao và dịch vụ, vốn tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Các chính sách xã hội, dù mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lại thường bị xem là gánh nặng đối với người dân ở các vùng nông thôn. Những quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ và các khoản thuế mới để tài trợ cho các chương trình y tế và phúc lợi xã hội gây ra áp lực lớn lên các ngành công nghiệp truyền thống, vốn là nguồn thu nhập chính của người dân tại đây. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước.

Những điều này đã tạo nên một sự chia rẽ sâu sắc về mặt tư tưởng và kinh tế giữa các thành phố lớn và các khu vực khác của nước Mỹ.

Ngoài ra, tâm lý cởi mở với sự thay đổi và các quan điểm đa dạng, truyền thống của Đảng Dân chủ trong nhiều năm nay, đang chứng kiến một bức ngoặt khi nhóm cử tri này trở nên ngày càng cực đoan trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Đối với nhiều người ủng hộ Đảng Dân chủ, bất kỳ ý kiến nào trái ngược với các giá trị mà họ ủng hộ đều bị coi là lạc hậu, phân biệt đối xử, hay phản động. Thay vì tiếp tục truyền thống tranh luận công khai và khoan dung đối với các ý kiến đa dạng, nhiều cử tri Đảng Dân chủ tỏ ra ít sẵn lòng chấp nhận những quan điểm khác biệt, đặc biệt khi nó đến từ nhóm cử tri Đảng Cộng hòa.

Sự cực đoan này càng trở nên rõ ràng hơn trong cuộc chiến văn hóa (culture war) đang diễn ra giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa. Các vấn đề như quyền phá thai, kiểm soát súng đạn, hay giáo dục giới tính trong trường học không còn chỉ là những vấn đề chính trị, mà đã trở thành một cuộc đấu tranh sâu sắc giữa truyền thống và sự tiến bộ. Một số cử tri Đảng Dân chủ tin rằng chỉ quan điểm của họ là đúng, và họ coi những người phản đối quan điểm của mình là không hiểu biết, ngu dốt, hay bảo vệ các giá trị lỗi thời.

Sự cực đoan này càng trở nên rõ ràng hơn trong cuộc chiến văn hóa đang diễn ra giữa 2 phe. Hậu quả của việc này là sự mất khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của bên kia, làm gia tăng sự phân tách giữa hai phe và tạo ra một môi trường chính trị khó có thể tìm được thỏa hiệp.

Một hậu quả của việc này là sự mất khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của bên kia. Một vài thống kế trong những năm qua cho thấy nhiều cử tri Đảng Dân chủ, sống trong môi trường phát triển mạnh và đa sắc tộc tại các thành phố lớn, thường khó có thể đồng cảm với những lo ngại và bất mãn của người dân nông thôn. Họ thường nhìn nhận những nỗi lo về mất việc làm hoặc sự thay đổi trong cấu trúc xã hội như là những phản ứng chống lại sự tiến bộ, thay vì là những mối lo ngại thực sự. Ngược lại, cử tri Đảng Cộng hòa ở nông thôn cảm thấy bị coi thường và không được lắng nghe bởi những người sống ở các thành phố lớn. Điều này chỉ càng làm gia tăng sự phân tách giữa hai phe và tạo ra một môi trường chính trị khó có thể tìm được thỏa hiệp.

************

Đón chờ phần cuối cùng để hiểu về cách truyền thông ngày càng thiên vị đang đẩy nhanh quá trình phân cực và chia rẽ trong xã hội Mỹ.

Phạm Vũ Thiều Quang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/60-ngay-truoc-bau-cu-tai-sao-nuoc-my-chia-re-tram-trong-den-vay-2321590.html