60 nhà khoa học hàng đầu đến Việt Nam để bàn về 'hạt ma' neutrino
Sáng 22-7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, phường Quy Nhơn Nam, tỉnh Gia Lai), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam khai mạc Hội nghị quốc tế về Vật lý neutrino, quy tụ 60 nhà khoa học hàng đầu đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội nghị kéo dài trong 4 ngày (22 đến 25-7), tập trung thảo luận các chủ đề mới và những ứng dụng tiên tiến trong lĩnh vực nghiên cứu Vật lý neutrino – loại hạt cơ bản mang nhiều tính chất bí ẩn nhất trong mô hình chuẩn của vật lý hạt.

GS. Masayuki Nakahata (Đại học Tokyo, Nhật Bản) trao đổi tại hội nghị. Ảnh: TRUNG NHÂN
Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của nhiều giáo sư, nhà vật lý hạt nổi tiếng thế giới, như: GS. Takashi Kobayashi (Giám đốc Tổ hợp nghiên cứu máy gia tốc Proton, Nhật Bản), GS. Masayuki Nakahata (Đại học Tokyo, Nhật Bản), GS. Tsuyoshi Nakaya (Chủ tịch Hội Vật lý năng lượng cao Nhật Bản), GS. Amol Dighe (Viện Nghiên cứu cơ bản Tata, Ấn Độ), PGS.TS. Teppei Katori (King’s College London, Anh), PGS.TS. Sanjib Kumar Agarwalla (Viện Vật lý Bhubaneswar, Ấn Độ)...
Tại hội nghị, các nhà vật lý cùng thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: dao động neutrino và sự trộn lepton từ các nguồn phát khác nhau, neutrino “lạ”, bản chất Dirac hay Majorana của neutrino, vai trò của neutrino trong các lý thuyết thống nhất lớn (Grand Unified Theory), dữ liệu vũ trụ học, đo tán xạ neutrino với hạt nhân...

GS. Tsuyoshi Nakaya (Chủ tịch Hội Vật lý năng lượng cao Nhật Bản) - người có rất nhiều đóng góp cho vật lý neutrino tại Việt Nam từ năm 2017 đến nay. Ảnh: TRUNG NHÂN
Ngoài ra, nhiều chủ đề liên ngành giữa vật lý hạt và thiên văn học cũng được đề cập như: neutrino từ vụ nổ siêu tân tinh, nguồn phát neutrino năng lượng cao trong vũ trụ, ứng dụng neutrino trong quan sát thiên văn đa sứ giả và hiện tượng thiên văn thoáng qua.
Đáng chú ý, các nhà vật lý hạt sẽ trình bày, giới thiệu về một số ứng dụng mới của neutrino, như: nghiên cứu geoneutrino để khảo sát cấu trúc lòng đất, chụp cắt lớp Trái đất, giám sát hoạt động lò phản ứng hạt nhân nhằm phục vụ an toàn và an ninh năng lượng toàn cầu.

Ban tổ chức giới thiệu các nhà nghiên cứu tiêu biểu tham dự sự kiện. Ảnh: TRUNG NHÂN
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, cho rằng, hội nghị sẽ mở ra cơ hội quý báu để các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên Việt Nam, cũng như các nước châu Á, tiếp cận tri thức và phương pháp nghiên cứu hiện đại trong Vật lý neutrino.
Thông qua hội nghị, các viện nghiên cứu, nhà vật lý hạt neutrino Việt Nam sẽ có được niềm tin vững chắc và sự giúp đỡ của cộng đồng vật lý hạt thế giới trong con đường nghiên cứu về Vật lý neutrino, một lĩnh vực rất mới mẻ trong nước.
Phát triển nhân lực Vật lý neutrino tại Việt Nam
Dịp này, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cũng tổ chức sự kiện đào tạo ngắn hạn về Vật lý neutrino với tiêu đề “Trường học Việt Nam về Neutrinos lần thứ 9” (VSON9) diễn ra đến hết ngày 25-7-2025.
Các nhà khoa học theo dõi thông tin về "Trường học Việt Nam về Neutrinos lần thứ 9"
VSON là sáng kiến của các giáo sư, tiến sĩ người Việt từng giảng dạy và nghiên cứu tại các đại học, viện vật lý lớn ở Mỹ và châu Âu, với mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ trong lĩnh vực vật lý hạt và hạt neutrino tại Việt Nam. Trường học nhận được hỗ trợ khoa học, đào tạo từ các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản như: GS Tsuyoshi Nakaya, GS Yuichi Oyama (KEK), GS Atsumu Suzuki (Đại học Kobe), PGS-TS Makoto Miura (Đại học Tokyo)...
Chương trình năm nay cung cấp kiến thức chuyên sâu về vật lý hạt, mô hình chuẩn, các hiện tượng vật lý liên quan đến neutrino như: dao động neutrino, neutrino mặt trời, neutrino thiên văn cùng các thí nghiệm tiêu biểu tại Nhật Bản. Học viên còn được thực hành mô phỏng tương tác, phân tích dữ liệu từ máy dò và nghiên cứu tia vũ trụ…