60% sản lượng chè được chế biến thành phẩm phục vụ xuất khẩu
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, chè là cây trồng có lợi thế phát triển của Lâm Đồng, mang lại giá trị xuất khẩu tương đối ổn định, đặc biệt đối với các loại chè cao cấp như Olong, Kim Tuyên, Tứ Quý....
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung cho công tác chuyển đổi giống, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Phần lớn diện tích chè hạt hiện nay đã được thay thế bằng các giống chè cành cao sản và các giống chè Đài Loan. Tổng diện tích chè toàn tỉnh là 12.411 ha với sản lượng khoảng 180 ngàn tấn chè búp tươi, trong đó có 49,2% chè ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 155 công ty chế biến chè với quy mô 29.871 tấn thành phẩm/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17.437 tấn thành phẩm/năm, tập trung tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà. Sản phẩm chế biến cũng khá đa dạng, bao gồm: chè Olong, chè xanh viên, chè đen, chè xanh ướp hương và chè xanh sơ chế.
Hiện nay, có 60% sản lượng chè được chế biến bán thành phẩm phục vụ xuất khẩu, phần còn lại chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung trở vào, trong đó có nhiều nhà máy chế biến chè với dây chuyền sản xuất hiện đại, góp phần tạo nên nhiều thương hiệu trà nổi tiếng của tỉnh như Công ty TNHH Haiyil, Long Đỉnh, Phương Nam, Tâm Châu...