60% thanh niên Việt Nam chưa đủ kỹ năng để làm việc trong nền kinh tế xanh

Tại phiên thảo luận số 4 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đưa ra một con số đáng chú ý, khoảng 60% thanh niên Việt Nam hiện chưa có đủ kỹ năng cần thiết để làm việc trong nền kinh tế xanh vào năm 2030.

Giáo dục là chìa khóa cho chuyển đổi xanh công bằng

Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư là hội nghị quốc tế đầu tiên do Việt Nam đăng cai trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh tiếp tục là xu thế lớn của thế giới và là ưu tiên trong chính sách của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Phiên 4 với chủ đề "Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai".

Phiên 4 với chủ đề "Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai".

Phát biểu tại phiên họp với chủ đề “Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của giáo dục trong quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: “Đây là thời điểm lịch sử mà chúng ta phải lựa chọn mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên hay dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải".

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực thực hiện các cam kết khí hậu, Việt Nam coi chuyển đổi xanh không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm gắn kết đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực ưu tiên gồm: năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, kỹ thuật tái chế, nông nghiệp hữu cơ, logistics xanh… Việt Nam cũng tập trung phát triển kỹ năng xanh trong giáo dục phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, Thứ trưởng khẳng định: “Cần có chính sách ưu tiên đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi. Đây là chìa khóa đảm bảo chuyển đổi phù hợp và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình hành động Net Zero".

Một nội dung quan trọng khác là lời kêu gọi hợp tác quốc tế để cùng xây dựng hệ sinh thái giáo dục xanh toàn cầu. “Nền kinh tế chuyển đổi xanh không chỉ tập trung vào giảm phát thải carbon hay bảo vệ môi trường mà còn lấy con người làm trung tâm”, Thứ trưởng phát biểu, đồng thời đề xuất thúc đẩy chia sẻ mô hình hợp tác đào tạo nhân lực xanh giữa các quốc gia.

Theo đó, Việt Nam đang thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi xanh lấy con người làm trung tâm, với mục tiêu giảm phát thải, sử dụng tài nguyên bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nền kinh tế chuyển đổi xanh không chỉ tập trung vào giảm phát thải carbon hay bảo vệ môi trường mà còn lấy con người làm trung tâm bằng cách: tạo việc làm bền vững, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận công việc trong lĩnh vực kinh tế xanh; cải thiện chất lượng sống, bằng cách phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, và thành phố xanh; thúc đẩy công bằng xã hội, đảm bảo người dân được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh; đào tạo kỹ năng xanh, giúp lao động thích nghi với các ngành nghề mới trong nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững và công nghệ sinh học.

Việt Nam cần chuẩn bị kỹ năng xanh cho 60% thanh niên

Cũng tại phiên thảo luận, đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và đối tác phát triển đã cùng chia sẻ những tầm nhìn, chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh toàn diện, bao trùm và lấy con người làm trung tâm.

Thứ trưởng Ngoại giao Colombia Mauricio Jaramillo Jassir nhấn mạnh, chuyển đổi xanh đòi hỏi các quốc gia phải hành động quyết liệt để thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa hiện tại và tương lai, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như công nghệ xanh, nông nghiệp thông minh và kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Ngoại giao Colombia Mauricio Jaramillo Jassir

Thứ trưởng Ngoại giao Colombia Mauricio Jaramillo Jassir

“Việc đào tạo lại cần được củng cố hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi, để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Mauricio Jaramillo Jassir khẳng định.

Colombia đang tích cực tích hợp chính sách tăng trưởng xanh vào chiến lược phát triển quốc gia, với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế “cạnh tranh hơn, bao trùm hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn”.

Bộ trưởng Môi trường Rwanda, bà Valentine Uwamariya nhấn mạnh vai trò của giáo dục kỹ năng xanh và tạo việc làm bền vững tại cộng đồng. Bà chia sẻ một ví dụ điển hình, đó là chương trình phục hồi rừng dựa vào cộng đồng không chỉ giúp “tái tạo hệ sinh thái” mà còn “tạo việc làm cho phụ nữ và thanh niên”.

Bộ trưởng Môi trường Rwanda, bà Valentine Uwamariya

Bộ trưởng Môi trường Rwanda, bà Valentine Uwamariya

“Chuyển đổi chỉ thành công nếu chúng ta đầu tư vào đúng người, đúng kỹ năng, đúng thời điểm và không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Valentine Uwamariya nói.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đưa ra một con số đáng chú ý, khoảng 60% thanh niên Việt Nam hiện chưa có đủ kỹ năng cần thiết để làm việc trong nền kinh tế xanh vào năm 2030.

Ông nhấn mạnh: “Việc làm xanh sẽ không chỉ xuất hiện trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo hay bảo vệ môi trường, mà sẽ lan tỏa vào tất cả các ngành công nghiệp truyền thống”. ADB cam kết huy động nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề, cải cách giáo dục và khuyến khích học tập suốt đời như một chiến lược cốt lõi.

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Thành công của chuyển đổi xanh phụ thuộc vào việc có đảm bảo tính bao trùm hay không - người dân phải là trung tâm trong mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam.”

Bà cho biết hiện tại công việc xanh chỉ chiếm khoảng 4% thị trường lao động, nhưng có tiềm năng tăng gấp 10 lần trong thập kỷ tới.

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

“Khoảng một nửa lực lượng lao động sẽ cần tham gia các chương trình đào tạo lại”, bà Ramla Khalidi lưu ý, đồng thời kêu gọi tập trung đầu tư vào nhóm yếu thế, khởi nghiệp xanh và kỹ năng đổi mới sáng tạo.

Ông Jonathan Baker, Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng để chuyển đổi thành công, các quốc gia cần xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện, từ trường học đến xã hội, từ kỹ thuật đến tư duy.

“Chúng ta cần một lực lượng lao động có kỹ năng xanh, kỹ năng số, kỹ năng xã hội và đặc biệt là khả năng thích ứng cũng như tư duy đột phá”.

UNESCO đang hợp tác với Việt Nam trong nhiều sáng kiến “xanh hóa” giáo dục, bao gồm dự án “trường học hạnh phúc” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tích hợp yếu tố môi trường vào toàn bộ hệ thống giáo dục.

Tất cả các đại biểu đều thống nhất rằng chuyển đổi xanh không thể tách rời khỏi con người, từ chính sách, hạ tầng đến hành động cụ thể. Những mô hình hợp tác công - tư, quốc tế - địa phương, là chìa khóa để cùng xây dựng một lực lượng lao động “tự cường, bao trùm và sẵn sàng cho tương lai và như đại diện của UNDP kết luận: “Chuyển đổi công bằng không phải là rào cản, mà là chất xúc tác cho phát triển xanh và bền vững”.

Lê Kiều Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/60-thanh-nien-viet-nam-chua-du-ky-nang-de-lam-viec-trong-nen-kinh-te-xanh-post1192705.vov