61 công dân Việt Nam được giải cứu khỏi sòng bạc ở Myanmar
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Myanmar để triển khai các thủ tục lãnh sự cần thiết, xây dựng phương án bảo hộ và hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 26/10, phóng viên đã đề nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết thông tin về việc lực lượng chức năng ở Myanmar đã giải cứu hàng trăm người nước ngoài tại các tụ điểm sòng bạc, trong đó có người Việt Nam.
Hồi âm, bà Phạm Thu Hằng thông tin, những ngày gần đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cũng như Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận thông tin từ lực lượng chức năng của Myanmar cho biết có gần 200 người nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam được giải cứu từ các tụ điểm sòng bạc lừa đảo ở khu vực biên giới phía Bắc của Myamar.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar làm việc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin về vụ việc, đồng thời đề nghị phía Myanmar đảm bảo nơi ăn chốn ở của công dân Việt Nam ở Myanmar và nhanh chóng tiến hành điều tra xác minh thông tin nhân thân của những công dân này.
“Cho đến nay, đại sứ quán xác định được 61 người là công dân Việt Nam” – bà Hằng thông tin.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và các đơn vị liên quan lập tức phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Myanmar để triển khai các thủ tục lãnh sự cần thiết, xây dựng phương án bảo hộ và hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất sau khi Myanmar có kết luận về vụ việc này.
“Trong trường hợp có bất cứ công dân nào có thông tin về người thân được giải cứu tại Myanmar có thể liên hệ đến tổng đài bảo hộ công dân Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc số điện thoại bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar trên website của đại sứ quán” – bà Hằng nêu rõ.
Cũng liên quan đến công tác bảo hộ công dân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã chia sẻ về tình hình công dân Việt Nam ở khu vực xảy ra xung đột Israel – Hamas.
Bà Hằng nói, ngày 23/10, Ban chỉ đạo công tác Bảo hộ Công dân của Bộ Ngoại giao đã họp và thảo luận về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam tại khu vực xung đột trước tình hình leo thang căng thẳng như hiện nay.
Theo bà Hằng, kể từ những ngày đầu tiên khi cuộc xung đột xảy ra, Bộ Ngoại giao đã và đang chỉ đạo các cơ quan đại diện tại Israel, Saudi Arabia và Ai Cập kiêm nhiệm Nhà nước Palestine theo dõi sát tình hình xảy ra xung đột, khẩn trương rà soát thông tin về công dân Việt Nam tại khu vực này, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các cơ quan liên quan trong nước để triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, biện pháp hỗ trợ bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại vùng xảy ra xung đột trong trường hợp cần thiết.
“Theo thông tin chúng tôi được biết, công dân Việt Nam tại Israel hiện vẫn an toàn” – bà Hằng khẳng định.
Hiện, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên và chặt chẽ với đầu mối của cộng đồng Việt Nam tại các khu vực xảy ra chiến sự, cập nhật tình hình bà con, đề nghị nhà chức trách sở tại bảo đảm an toàn tối đa cho công dân Việt Nam và gia đình, đồng thời sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân tùy theo nguyện vọng của bà con và tình hình thực tế.
Khuyến cáo với công dân, Bộ Ngoại giao lưu ý, nếu không thực sự cần thiết, công dân không nên đến hoặc tránh đến Israel.
Nếu đang ở Israel, công dân cần chuẩn bị phương án cho tình huống sớm sơ tán an toàn người và tài sản đến nước thứ ba hoặc về Việt Nam.
Ngoài ra, công dân cần thường xuyên theo dõi những thông tin của chính quyền sở tại, cảnh báo của Bộ Ngoại giao, trong đó có Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, để có phản ứng kịp thời.