64 năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Lịch sử 64 năm đã khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đã 64 năm kể từ ngày có tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955 - 10/9/2019) tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất, đến nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trở thành tên chung cho nhiều hình thức tổ chức được thành lập trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử 89 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Trong tiến trình đó, từ công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là trung tâm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã được thành lập ngày 18/11/1930, đến năm 1941 bắt đầu hình thành một Mặt trận mới, đó là Mặt trận Việt Minh. Đây là hình thức tổ chức và quy tụ lực lượng giai cấp nông dân, công nhân, trí thức và tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, từ đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và tay sai phá hoại Hiệp định Genève, chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 5-10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Phát biểu trong buổi lễ bế mạc thành lập Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cương lĩnh này là một cương lĩnh đại đoàn kết, mục đích của nó là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước… Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; động viên đồng bào và chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng chi viện cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam.
Sau khi thống nhất đất nước, từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở 2 miền (Nam - Bắc) lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Xuân Thủy - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đã lý giải tên gọi này như sau: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập năm 1955, cái tên đó do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đề xướng, được mọi người tán đồng. Lúc ấy Đảng Lao động Việt Nam tức là Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ và Hồ Chủ tịch đã thấy rõ đế quốc Mỹ đang âm mưu phá hoại Hiệp định Genève nhằm hất cẳng Pháp, chiếm lấy miền Nam nước ta, chia rẽ lâu dài nước ta. Vì vậy, phải có một mặt trận đoàn kết được toàn dân đấu tranh cho quyền lợi thiêng liêng của Tổ quốc, hai tiếng "Tổ quốc" nhắc nhở mọi người đoàn kết phấn đấu cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đó là Mặt trận của cả nước từ Bắc đến Nam...”.
Lịch sử 64 năm đã khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, vẫn bản chất đó, vẫn tinh thần đó, vẫn lực lượng đó, khối đại đoàn kết ngày càng được tổ chức rộng rãi và sâu sắc hơn để giữ vững và xây dựng một chính quyền vì Nhân dân, của Nhân dân.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, phát biểu trước hơn 1.000 đại biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh dù với nhiều tên gọi, hình thức tổ chức và hoạt động khác nhau, nhưng đều có một mục đích chung là góp phần tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc tỉnh nhà. Mặt trận là tổ chức giữ mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân, vận động nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn thử thách, tăng cường đoàn kết dân tộc, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo đồng tâm hiệp lực vươn lên giành nhiều thành tích quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng.
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động và chủ trì như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Quỹ “Vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Từ hoạt động thiết thực ở cơ sở, nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được hình thành, qua đó, Mặt trận đã tập hợp nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hoạt động hiệu quả, tạo nên sự gắn kết cộng đồng thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng xã, phường đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh đề ra mục tiêu tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới công tác Mặt trận, nâng cao chất lượng các hoạt động hướng về cơ sở, xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm để thực hiện một cách thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/64-nam-mat-tran-to-quoc-viet-nam-a113933.html