65.000 chiếc cốc 'bốc hơi' và vấn nạn an ninh tại siêu nhà máy Tesla Đức

Trong vô số vấn đề tại nơi làm việc và xung đột giữa công nhân mà 'siêu nhà máy' tại Berlin (Đức) của Tesla phải đối mặt, một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất đối với ban quản lý có thể là sự biến mất bí ẩn của những chiếc cốc uống cà phê.

Mất 65.000 chiếc cốc từ khi đi vào hoạt động

Tờ báo Handelsblatt của Đức đưa tin, khi giám đốc nhà máy Tesla Andre Thierig lên bục phát biểu tại chương trình nghị sự tại cuộc họp nhân viên của Gigafactory của Tesla tại Berlin, ông đã không đề cập đến cuộc xung đột gay gắt giữa hội đồng công nhân và công đoàn IG Metall vốn là trọng tâm của cuộc thảo luận.

"Tôi chỉ muốn đưa cho bạn một con số thôi. Chúng tôi đã mua 65.000 cốc cà phê kể từ khi bắt đầu sản xuất tại đây. 65.000 chiếc! Theo thống kê, mỗi người trong số các bạn đã có 5 chiếc cốc cà phê Ikea ở nhà", ông Thierig nói tại nhà máy Tesla, nơi có khoảng 12.000 nhân viên trong một khu phức hợp rộng lớn ở phía đông nam Berlin.

"Tôi thực sự mệt mỏi khi phải chấp thuận các đề nghị mua thêm cốc cà phê", ông Thierig nói thêm trong tiếng cười và vỗ tay của các nhân viên, thậm chí đùa rằng ông sẽ phải bỏ dao kéo trong phòng nghỉ giải lao nếu nạn trộm vặt không dừng lại.

Mối quan tâm về môi trường và an toàn

Ngay cả trước khi có hàng chục nghìn chiếc cốc bị đánh cắp và cuộc bầu cử hội đồng công nhân gần đây nhất, thì nhà máy Gigafactory của Tesla tại Grünheide, bang Brandenburg, đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi.

Gần như ngay sau khi Đức đánh bại ít nhất 8 quốc gia EU khác để giành quyền xây dựng nhà máy đầu tiên của Tesla tại châu Âu vào năm 2019, những lời chỉ trích bắt đầu gia tăng về tác động đến môi trường khi xây dựng nhà máy. Những lời chỉ trích này xoay quanh việc phá bỏ hàng trăm hecta rừng và lo ngại về ô nhiễm nước ngầm.

Ngay sau khi bắt đầu sản xuất vào năm 2022, tạp chí Stern của Đức đã công bố một bài báo cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn và sức khỏe của người lao động cũng như luật môi trường.

Báo cáo phát hiện ra rằng nhà máy Tesla đã ghi nhận số trường hợp nguy cấp nhiều gấp 3 lần so với một nhà máy Audi tương tự tại thành phố Ingolstadt.

Vào năm 2024, nhà máy này lại trở thành nơi diễn ra các cuộc biểu tình vì môi trường phản đối kế hoạch mở rộng Gigafactory. Nhà máy Tesla rộng khoảng 300ha và dự kiến sẽ mở rộng thêm 170ha.

Vào tháng 3 năm nay, các nhà bảo vệ môi trường đã đốt một cột điện cao thế gần nhà máy Tesla, gây mất điện cho nhà máy Tesla và 60.000 cư dân gần đó.

Siêu nhà máy của Tesla tại Đức.

Siêu nhà máy của Tesla tại Đức.

Gần đây hơn, một động thái thúc đẩy từ CEO của Tesla, Elon Musk, yêu cầu các nhà máy trên toàn thế giới cắt giảm 10% lực lượng lao động đã dẫn đến việc sa thải nhiều nhân viên tạm thời và bán thời gian, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc nhà máy này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Đức như đã hứa trong dài hạn như thế nào.

Mặc dù nhà máy tại Grünheide chỉ cắt giảm khoảng 2% nhân sự, nhưng thành viên Hội đồng Nhà máy Uwe Fischer nói với tờ Handelsblatt rằng có "áp lực rõ ràng" buộc nhân viên phải chấp nhận lời đề nghị sa thải tự nguyện.

Theo thư ký công đoàn IG Metall Jannes Bojert, công nhân Tesla đang phải chịu áp lực cực lớn, bị bắt nạt và thất vọng vì số lượng tai nạn an toàn tại nhà máy. Ông Jannes Bojert cho biết một cuộc đình công là hoàn toàn có thể xảy ra, mặc dù đó là "biện pháp cuối cùng".

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông phương Tây mới đây đưa tin rằng nhà sản xuất xe điện này đang trì hoãn việc ra mắt Robotaxi khoảng 2 tháng so với dự kiến.

Cụ thể, sau khi thông báo trước đó rằng hãng sẽ giới thiệu robotaxi vào ngày 8/8, Tesla đã lùi thời điểm ra mắt sang tháng 10 để các nhóm làm việc trong dự án có thêm thời gian chế tạo nguyên mẫu.

Tin tức này đã khiến cổ phiếu Tesla giảm tới 8% trong phiên giao dịch ngày 11/7 tại Mỹ, sau đợt tăng giá kéo dài 11 ngày được thúc đẩy bởi báo cáo giao hàng tốt hơn dự kiến trong quý II.

Sau đợt tăng giá xóa sạch khoản lỗ của mã cổ phiếu này từ đầu năm, mức sụt giảm mới nhất đã khiến cổ phiếu Tesla quay trở lại vùng âm.

CEO của Tesla, ông Elon Musk đã hứa với các cổ đông về một chiếc taxi robot trong nhiều năm. Năm 2015, ông cho biết những chiếc xe của Tesla sẽ đạt được “hoàn toàn tự động” trong vòng 3 năm. Năm 2016, ông Musk cho biết Tesla sẽ có thể đưa một trong những chiếc xe của mình đi xuyên quốc gia mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người vào cuối năm sau.

Những lời "hứa suông" vẫn tiếp tục vào năm 2019, khi ông Musk nói trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư tổ chức rằng Tesla sẽ có một triệu xe robotaxi trên đường vào năm 2020. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa cung cấp một chiếc robotaxi, xe tự hành hoặc công nghệ có thể biến ô tô của mình thành xe tự hành “cấp độ 3”. Trong khi đó, các công ty như Alphabet Waymo và Cruise, thuộc sở hữu của General Motors, đã vượt mặt Tesla từ lâu.

Thủy Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/65000-chiec-coc-boc-hoi-va-van-nan-an-ninh-tai-sieu-nha-may-tesla-duc-d113286.html