65% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường FTA
Đến nay, 17 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực giúp Việt Nam kết nối với gần 60 thị trường.
Đến nay, 17 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực giúp Việt Nam kết nối với gần 60 thị trường.
Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là lợi thế rất lớn đối với hàng Việt so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, đó mới là giấy thông hành để vào các thị trường, còn việc tận dụng hiệu quả được hay không lại phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ từ địa phương trong quá trình thực thi.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn cho biết đã tăng tỷ lệ nội địa hóa, nghiên cứu, tự thiết kế một số mẫu áo khoác, sẵn sàng chào hàng sang châu Âu, Mỹ dịp cuối năm. Đây là sự thay đổi lớn với một doanh nghiệp từ trước đến nay chỉ làm gia công theo yêu cầu.
Ông Trần Xuân Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn cho biết: "Tập đoàn chúng tôi chuyển sang hướng trực tiếp may hàng trọn gói nguyên liệu, phụ liệu, may thành sản phẩm xuất hàng, làm thế nào để hàng xuất xứ ngay tại Việt Nam và trong khu vực để hưởng lợi từ FTA".
Chủ động đến 30% nguyên liệu làm chiếc áo là chưa đủ. Trước thách thức về cắt giảm cả đơn hàng và đơn giá, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi từ may gia công sang may trọn gói để cạnh tranh. Nghĩa là doanh nghiệp tự chủ từ nguyên phụ liệu cho đến giao hàng tận gốc. Khó khăn và rủi ro hơn nhưng là điều phải làm để hưởng các ưu đãi vào các thị trường có FTA.
Sự chuyển biến không chỉ ở doanh nghiệp, mà còn là sự chủ động bộ ngành, chính quyền các địa phương. Nhờ vậy, 5 tháng qua, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn doanh nghiệp nước ngoài. Xuất khẩu sang các thị trường FTA và cả thị trường mới đều phục hồi tốt.
Việt Nam cam kết mở cửa trong FTA là một chuyện, nhưng thực thi khai thác là một chuyện khác. Theo Bộ Công Thương, thực tế đa phần các giải pháp của địa phương vẫn tập trung tuyên truyền, hỗ trợ ban đầu. Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường FTA một số nơi chưa đến 10%.
"Cam kết là như vậy nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thực tế khai thác FTA như thế nào thì cần có công cụ trên thực tiễn để đánh giá doanh nghiệp đang khai thác và dịch vụ hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Sau 3 - 4 năm đầu thực thi, hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được các thị trường lớn, khó tính. Nhưng để đi được đường dài, định vị thương hiệu thì cần những chuyển đổi nhanh và mạnh hơn nữa trong khi phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tham gia vào công đoạn gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm.