65 năm du lịch Việt Nam vươn lên, định vị trên bản đồ du lịch thế giới

Những cột mốc phát triển ấn tượng, các chính sách đổi mới kịp thời và sự hội nhập quốc tế sâu rộng đã giúp du lịch Việt Nam từng bước vươn lên, định vị tên tuổi trên bản đồ du lịch thế giới.

Du khách tham quan du lịch tại Sa Pa.

Du khách tham quan du lịch tại Sa Pa.

Tự hào nhìn lại lịch sử 65 năm xây dựng và phát triển (1960 - 2025), ngành Du lịch Việt Nam đã đi một chặng đường dài, từ một hoạt động công vụ phục vụ ngoại giao trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đến chuyển đổi tư duy là ngành kinh tế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, và sau này phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch Việt Nam đã trải qua những cột mốc phát triển ấn tượng:

Giai đoạn 1960 - 1975: Thực hiện nhiệm vụ phục vụ đối ngoại

Ngày 9/7/1960, Công ty Du lịch Việt Nam ra đời trực thuộc Bộ Ngoại thương. Sự kiện đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh đất nước còn bị chia cắt. Trong giai đoạn đầu này, du lịch chủ yếu phục vụ công tác ngoại giao, đón tiếp các đoàn khách quốc tế, chuyên gia, bạn bè quốc tế đến hỗ trợ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hoạt động du lịch giai đoạn này mang đậm tính chính trị, ngoại giao. Dù cơ sở vật chất còn thô sơ, nguồn lực hạn chế, nhưng ngành đã sớm xây dựng được lực lượng hướng dẫn viên, cán bộ phục vụ có nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ, đặt nền móng cho du lịch chuyên nghiệp về sau.

Giai đoạn 1975 - 1990: Tập trung tái thiết, từng bước mở rộng hoạt động

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ngành Du lịch bước vào giai đoạn tái thiết trong điều kiện kinh tế bao cấp. Hoạt động du lịch tập trung vào tiếp quản các cơ sở du lịch ở miền Nam và đầu tư phát triển thêm ở các địa phương có tiềm năng.

Việt Nam có nhiều điểm du lịch tâm linh, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Việt Nam có nhiều điểm du lịch tâm linh, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Bước ngoặt đến sau năm 1986, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI xác định đổi mới toàn diện, xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Du lịch bắt đầu có cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng quan hệ quốc tế và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Giai đoạn 1990 - 2019: Mở cửa hội nhập, tăng tốc phát triển

Ngành Du lịch chuyển mình mạnh mẽ khi Việt Nam mở rộng hội nhập, giao lưu quốc tế. Một loạt chính sách quan trọng được ban hành như Nghị quyết 45/CP (1993), Chỉ thị 46-CT/TW (1994), và đặc biệt là Thông báo Kết luận 179-TB/TW của Bộ Chính trị (1998) về phát triển du lịch trong tình hình mới. Từ đây, Pháp lệnh Du lịch được ban hành (1999), ra đời Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch (1999), Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch (2000), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001-2010 (2002), tạo nền móng quan trọng cho sự phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập.

Năm 2017, Bộ Chính trị một lần nữa ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW xác định mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch 2017 tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho du lịch trong tình hình mới.

Du khách đến mua sắm ở khu chợ độc đáo trên núi Bà Đen.

Du khách đến mua sắm ở khu chợ độc đáo trên núi Bà Đen.

Hệ sinh thái du lịch từng bước hoàn thiện, từ hạ tầng giao thông, cảng hàng không, cơ sở lưu trú cao cấp đến các sản phẩm đa dạng như du lịch biển đảo, sinh thái, văn hóa, MICE, nghỉ dưỡng cao cấp.

Năm 2019, ngành du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng; Du lịch đóng góp 9,2% GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế lớn của đất nước.

Giai đoạn 2020 - 2025: Thích ứng linh hoạt, phục hồi mạnh mẽ, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Giai đoạn này, đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc để thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo, không chỉ tái thiết lại hoạt động, phục hồi mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tăng trưởng, mà còn tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện của du lịch trong kỷ nguyên mới.

Kết quả, ngành Du lịch phục hồi ngoạn mục: năm 2022 đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế; năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt; năm 2024 đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 98% mức trước dịch (2019) - mức phục hồi cao nhất trong khu vực ASEAN. Khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt; tổng thu du lịch đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước.

Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm tại địa đạo Củ Chi.

Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm tại địa đạo Củ Chi.

Sáu tháng đầu năm, có gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lượng khách quốc tế cả năm 2016. Du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam được World Travel Awards vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới... Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam 4 lần được trao danh hiệu Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.

Công tác tham mưu xây dựng thể chế, chính sách được đặc biệt coi trọng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu đề xuất nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do Covid-19 và đề xuất mở cửa trở lại hoạt động du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.

Thanh Hoàng

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/65-nam-du-lich-viet-nam-vuon-len-dinh-vi-tren-ban-do-du-lich-the-gioi-c17a100340.html