68 giáo viên dạy lái xe ở TP HCM dùng chứng chỉ giả, không phải GPLX giả
Qua kiểm tra xác minh, các giáo viên có sai phạm chủ yếu sử dụng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bằng trung cấp là giả, không phải GPLX giả.
Liên quan đến thông báo kết luận nội dung tố cáo 68 giáo viên thuộc 4 cơ sở đào tạo lái xe tại TP Hồ Chí Minh sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: "Số giáo viên này sử dụng chứng chỉ giả, không phải sử dụng GPLX giả".
Cũng theo ông Thống, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản yêu cầu các sở GTVT trong toàn quốc rà soát đội ngũ giáo viên các trung tâm đào tạo trên địa bàn.
Thông tin thêm, ông Thống cho hay, tiêu chuẩn để trở thành giáo viên dạy lái xe bao gồm nhiều văn bằng chứng chỉ như: nghiệp vụ sư phạm, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề. GPLX chỉ là một trong các điều kiện. Kết quả kiểm tra vừa qua, chủ yếu là giáo viên sử dụng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, một số bằng trung cấp là giả, không phải họ sử dụng GPLX giả.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao hàng loạt giáo viên dùng bằng giả vẫn "lọt lưới", đi dạy, ông Thống cho biết, việc giáo viên sử dụng chứng chỉ giả sau đó đi công chứng để nộp cho trung tâm thì phải qua quá trình xác minh mới biết được là giả hay thật.
"Bình thường không ai đến tận cơ sở cấp bằng, chứng chỉ để xác minh là thật hay giả. Đây cũng không phải là quy định bắt buộc nên chỉ trong trường hợp có nghi vấn, phản ánh mới xác minh", ông Thống cho hay.
Về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô, theo ông Thống, Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định, tất cả giáo viên nói chung và giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô nói riêng phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2014 về việc bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên. Tổng cục đã tham mưu cho Bộ GTVT kiến nghị xem xét bỏ tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học cho phù hợp với thực tế, tránh lãng phí cho xã hội.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ VN đã có thông báo kết luận nội dung tố cáo 68 giáo viên cùng 4 cơ sở đào tạo lái xe tại TP Hồ Chí Minh, cũng như công tác cấp giấy chứng nhận giáo viên thực hành lái xe của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.
Theo cơ quan này, nội dung tố cáo “dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” của 68 giáo viên cùng 4 trường dạy lái xe tại TP Hồ Chí Minh là đúng một phần.
Qua xác minh, có 54/68 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp. Các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm giả là do các cá nhân giáo viên dạy thực hành tự mua qua mạng, nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.
Cụ thể, Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát cả 5/5 giáo viên không đủ điều kiện là giáo viên thực hành. Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát có 38/44 giáo viên sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả, không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới có giáo viên Nguyễn Thanh Quân không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10/12 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu Sở GTVT TP HCM tổ chức họp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT TP HCM lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở trên vì hành vi bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn giảng dạy; đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ tuyển sinh từ 1 tháng đến 3 tháng. Thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe của 54/68 giáo viên sử dụng bằng giả.