7,2 tỉ USD có thể chảy vào Việt Nam ngay khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
Ước tính, khoảng 7,2 tỉ USD vốn gián tiếp nước ngoài sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Việc này cũng mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Nâng hạng là bước ngoặt mới cho thị trường chứng khoán
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726-QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 năng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Tại Hội thảo “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 16.4, TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cho biết việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường. Việc này góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Hiện Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên.
“Việc nâng hạng TTCK là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Ngoài ra, việc nâng hạng TTCK cũng đặt ra các yêu cầu đối với việc thay đổi các chính sách, quy định pháp luật có liên quan”, TS Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.
Theo World Bank, ước tính khoảng 7,2 tỉ USD vốn gián tiếp nước ngoài dự kiến sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi được nâng hạng. Việc này cũng mang tới 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu quan trọng cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.
“Việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, việc nâng hạng cũng giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp.
“Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hóa, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước”, ông Dũng nêu.
Một lợi ích nữa là việc nâng hạng sẽ giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường). Điều này làm tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.
“Các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước chịu áp lực buộc phải nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu theo chuẩn mực quốc tế”, ông Dũng nói.
Chưa kể, theo đại diện UBCKNN, việc TTCK mở rộng và phát triển là điểm đến hấp dẫn trong quá trình huy động vốn của thị trường vốn cổ phần của các công ty khởi nghiệp sáng tạo, công ty nhỏ và vừa, các công ty lớn chưa niêm yết, hỗ trợ cho các hoạt động chào bán lần đầu ra công chúng (IPO)…
Nhiều điểm nghẽn cần giải quyết
Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho biết, tham vọng của TTCK Việt Nam là đẩy nhanh lên thị trường mới nổi, gắn liền với việc đạt mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045. Muốn vậy, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng trung bình 5,9%/năm. Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam phải phát triển tốt và có tiềm năng tốt hơn trước kia.
“Để đạt được mục tiêu này, thì khu vực tài chính có vai trò quan trọng, trong đó đặc biệt nhất là thị trường vốn”, ông Andrea Coppola nói.
Ông Andrea Coppola cho rằng để thu hút được 25 tỉ USD vào năm 2030 theo dự báo, thì cần phải đảm bảo một số điều kiện trong đó bao gồm việc nâng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, TTCK Việt Nam phải thỏa mãn các tiêu chí mà hai tổ chức đánh giá xếp hạng đưa ra...
TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) cũng cho rằng để nâng hạng thị trường chứng khoán, còn rất nhiều giải pháp cần thực hiện và nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Theo ông Phụng, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, đồng thời cần giải quyết các vấn đề như thực hiện yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding), cải thiện giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
TS Nguyễn Văn Phụng, đề nghị cần làm rõ và thu hẹp dần danh mục ngành nghề hạn chế sở hữu nước ngoài tại các luật liên quan; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường…
Thêm nữa, theo ông Phụng, cần thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên TTCK; giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, bảo đảm độ tin cậy, minh bạch”, ông Phụng nêu.
Bên cạnh những lợi ích, ông Vũ Chí Dũng cũng khuyến cáo, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK có thể gây tác động đến mức độ biến động của TTCK do tác động đến tâm lý thị trường; gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ - tiền đồng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, hoạt động giao dịch tăng mạnh, có thể cao hơn nhiều lần so với bình thường, gây áp lực đến hệ thống giao dịch, thanh toán của thành viên thị trường.