7 bí quyết chi tiêu thực phẩm Tết tiết kiệm, dù nhà có 12 người cũng ăn Tết không quá 5 triệu đồng của mẹ đảm ở Hà Nội
Để chi tiêu Tết đầy đủ cho gia đình, chị Hà thường lên kế hoạch sắm Tết rất cụ thể. Nhất là tiền mua thực phẩm, chưa năm nào chị mua quá 5 triệu đồng cho cả nhà đông người ăn Tết chỉ nhờ áp dụng những bí quyết triệt để sau.
Gia đình chị Nguyễn Hải Hà, 30 tuổi ở Phú Lương, Hà Nội có tất cả 12 người lớn và 3 trẻ nhỏ bao gồm: bố mẹ chồng, vợ chồng chị, vợ chồng anh chị dâu, vợ chồng em gái chồng và 4 trẻ nhỏ.
Ngày thường, chỉ có vợ chồng chị Hà sống với bố mẹ chồng. Nhưng ngày Tết, tất cả anh chồng, chị dâu, em gái và em rể chồng đều về sum họp đầy đủ từ 30 Tết đến hết mùng 5 Tết.
Trong những ngày này, để chi tiêu Tết đầy đủ cho gia đình, chị Hà thường lên kế hoạch sắm Tết rất cụ thể. Nhất là tiền mua thực phẩm, chưa năm nào chị mua quá 5 triệu đồng cho cả nhà đông người ăn Tết chỉ nhờ áp dụng những bí quyết triệt để sau:
Lên kế hoạch những thực phẩm cần sắm Tết
Theo người phụ nữ này, muốn quản lý hiệu quả việc chi tiêu cho thực phẩm ăn mấy ngày Tết, nhất định bà nội trợ nào cũng phải lên kế hoạch thật cụ thể để dễ kiểm soát – tránh "tình trạng vung tay quá trán".
Nói chung việc lên danh sách các thực phẩm cần mua sẽ giúp hình dung ra số tiền cụ thể, thời gian mua sắm phù hợp. Điều này giúp chi tiêu vừa đủ cho thực phẩm mà tránh lãng phí.
Tận dụng những thực phẩm có trong vườn nhà
Mỗi khi về quê ngày Tết, chị Hà nhận thấy vườn nhà bà nội có rất nhiều rau xanh như su hào, bắp cải, cà rốt, chuối xanh. Ngoài ra là gà, vịt, ngan lúc nào cũng có. Bởi thế, thay vì tốn một khoản tiền sắm những món đồ mới không thật sự cần thiết, chị thường tận dụng những thực phẩm đang có để lên danh sách món ăn ngày Tết vừa giúp tiết kiệm, vừa ăn ngon.
Mua sắm thực phẩm Tết sớm
Trước Tết 1,5 tháng, chị Hà thường đi chợ mua sắm các thực phẩm Tết như: măng, miến, nấm, gia vị như mắm, muối, mì chính, bột ngọt. Bởi mua thời điểm này, giá vẫn như ngày thường rất rẻ. Tuyệt đối không mua sắm vào dịp cận Tết vì giá cả các mặt hàng sẽ tăng lên chóng mặt. Điều này cũng giúp chị tiết kiệm được 1 khoản.
Ngoài ra khi mua thực phẩm Tết, chị thường hỏi người thân, bạn bè về địa điểm mua để có giá cả và chất lượng tốt nhất. Tránh được việc sắm Tết ở nơi đắt đỏ, kém chất lượng.
Đi chợ đầu mối sắm Tết
Ngày Tết ở quê cũng sẽ có những khu chợ đầu mối, chỉ là phải mất công đi xa một chút. Ở chợ đầu mối, giá cả các mặt hàng cũng thấp hơn nhiều và vẫn tươi ngon.
Bên cạnh đó, dù đi chợ đầu mối giá thực phẩm có rẻ hơn các chợ cóc nhưng cũng chỉ mua các thực phẩm trong danh sách cần mua. Nhất định không mua những thực phẩm ngoài kế hoạch khiến cho chi phí bị đội lên và thừa ngày Tết.
Chỉ mua và làm những thực phẩm đủ dùng 5-7 ngày Tết
Nếu như nhiều gia đình thường mua rất nhiều thực phẩm cho mấy ngày Tết dẫn đến thừa mứa, thiu hỏng quá nhiều thì nhà chị Hà chỉ mua đồ ăn đủ cho 5 ngày đến 7 Tết.
Thường thì chị sẽ tích trữ đồ ăn từ ngày 30 đến hết mùng 7 Tết. Tuyệt đối chị không dự trữ quá nhiều để tránh việc chưa dùng đã bị hỏng. Hơn nữa, từ ngày mùng 3-4 Tết, các chợ đã bắt đầu có người bán hàng nên rất tiện mua sắm thêm thực phẩm khi cần.
"Cho dù ngày Tết hàng ăn và thực phẩm vẫn bán nhưng giá bán đắt lắm, bún phở tăng gấp đôi. Do đó, mình hay dự trữ để ở nhà 1 tuần để sau Tết vài ngày vẫn có đồ nấu ăn cho rẻ mà chất lượng, khách đến chơi vẫn còn có đồ ăn để đãi khách".
Cùng người thân trong gia đình tự làm những món ăn ngon
Vào những ngày cận Tết, ngoài dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, chị Hà thường cùng chị chồng và các cháu tự làm những món ăn ngon cho ngày Tết. Chẳng hạn như gói bánh chưng Tết, tự làm củ kiệu, các loại bánh mứt kẹo ngày Tết, gói giò thủ, gói nem,… vừa đảm bảo vệ sinh lại đỡ tốn kém hơn so với việc mua ngoài.
"Ngày Tết, mình vừa huy động các thành viên trong gia đình cùng tham gia làm để gia tăng tình cảm gắn bó, vừa cho ra mắt những món ăn ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết", chị Hà khẳng định.