7 cách làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở phụ nữ
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị, phụ nữ có thể giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ bằng cách áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh hằng ngày…
1. Chứng mất trí nhớ là gì?
TS. Karen Miller, Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương ở California, cho biết: Chứng mất trí nhớ là sự suy giảm tổng thể khả năng nhận thức, thường ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn (học/nhớ lại thông tin mới) và suy giảm kỹ năng điều hành (tổ chức, ra quyết định)…
Trong chứng mất trí nhớ, những sự suy giảm này thường ảnh hưởng đến khả năng độc lập của người bệnh. Nghĩa là người đó có thể gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính hoặc thuốc men, khó khăn/suy giảm khả năng lái xe…
Theo một nghiên cứu năm 2021, phụ nữ chiếm khoảng 2/3 số người mắc chứng mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Điều này có thể do:
Phụ nữ sống lâu hơn nam giới và chứng sa sút trí tuệ thường xuất hiện sau tuổi 80.
Sa sút trí tuệ có liên quan đến trầm cảm và nhiều phụ nữ bị trầm cảm hơn nam giới.
Những người tập thể dục ít có khả năng mắc chứng mất trí nhớ và phụ nữ tập thể dục ít hơn nam giới…
Khi phụ nữ mắc chứng mất trí nhớ, họ suy giảm nhanh hơn nam giới. Do đó, họ có thể bị bệnh nặng hơn.
Chứng mất trí nhớ xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não ngừng hoạt động hoặc tương tác với các tế bào não khác. Mọi người đều mất đi một số tế bào thần kinh khi có tuổi, nhưng những người mắc chứng mất trí nhớ bị mất các tế bào này nhiều hơn.
Mặc dù nhiều người trên 85 tuổi mắc chứng mất trí nhớ nhưng đây không được coi là một phần bình thường của quá trình lão hóa.
2. Các loại, triệu chứng của chứng mất trí nhớ
Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, nhưng nó không phải là dạng duy nhất.
Một số loại sa sút trí tuệ khác bao gồm:
Bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương, là một nhóm bệnh đặc trưng bởi sự phá vỡ (thoái hóa) của các tế bào thần kinh và các kết nối của chúng ở thùy trán và thái dương của não, các khu vực thường liên quan đến tính cách, hành vi và ngôn ngữ.
Chứng mất trí nhớ thể Lewy (DLB), là một loại chứng mất trí kèm theo những thay đổi trong hành vi, nhận thức và chuyển động.
Chứng mất trí nhớ mạch máu còn gọi là sa sút trí tuệ mạch máu là một thuật ngữ chung mô tả sự suy giảm chức năng nhận thức gây ra bởi các vấn đề của mạch máu nuôi não.
Một số người có thể có sự kết hợp của hai hoặc nhiều loại sa sút trí tuệ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ bao gồm:
Thay đổi nhận thức.
Mất trí nhớ.
Khó giao tiếp hoặc tìm từ.
Khó khăn với khả năng thị giác và không gian, chẳng hạn như bị lạc trong khi lái xe.
Khó khăn trong việc suy luận hoặc giải quyết vấn đề.
Khó xử lý các nhiệm vụ phức tạp.
Khó khăn với việc lập kế hoạch và tổ chức…
Điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn. Do đó, khi bắt đầu nhận thấy những thay đổi, xuất hiện triệu chứng mới, hoặc tình trạng xấu đi của các triệu chứng trước đó… cần phải đi khám.
Có một số phương pháp điều trị, nhưng không thể chữa khỏi hoặc đảo ngược tình trạng này. Tuy nhiên, chúng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, chẳng hạn như thuốc aducanumab và lecanemab…
3. Thực hành các thói quen lành mạnh giúp ngăn ngừa mất trí nhớ
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo thực hiện 7 thói quen sống lành mạnh sau đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ của phụ nữ, đó là:
Năng vận động
Chế độ ăn uống lành mạnh
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Không hút thuốc
Duy trì huyết áp khỏe mạnh
Kiểm soát cholesterol
Giữ lượng đường (glucose) trong máu ở mức bình thường.
Các thói quen này nhằm bảo vệ trái tim nhưng cũng tốt cho não, có thể giúp ngăn ngừa suy giảm tinh thần, trí nhớ… trong tương lai. Tim bơm máu lên não, do đó, mạch máu và hệ thống mạch máu phải khỏe mạnh, ở trạng thái tốt, để não nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động bình thường…
TS. Pamela Rist, Bệnh viện Brigham and Women's (Boston), tác giả nghiên cứu cho biết, những thói quen lành mạnh này làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng có khả năng tất cả chúng đều hoạt động cùng nhau.
Có rất nhiều lợi ích sức khỏe khi ăn theo chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên bao gồm kiểm soát huyết áp, cholesterol và glucose, đồng thời duy trì chỉ số khối cơ thể trong phạm vi lành mạnh, TS Rist cho biết.
Huyết áp cao thường dẫn đến các dấu hiệu cận lâm sàng khác của bệnh trong não có liên quan đến chứng mất trí nhớ. Bệnh tiểu đường và cholesterol cao cũng có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các rủi ro đối với chứng sa sút trí tuệ đều có thể thay đổi được, chẳng hạn như gen… nhưng điều quan trọng là phải thực hiện các bước để thay đổi những thứ bạn có thể.
Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cần giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, tham gia vào các hoạt động xã hội…