7 cách tăng lượng vitamin B12 cho cơ thể
Vitamin B12 là dưỡng chất thiết yếu để duy trì sức khỏe tốt. Nó đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm chức năng thần kinh, sản xuất hồng cầu và tổng hợp DNA...
Tuy nhiên, sự hấp thụ vitamin B12 có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tuổi tác, lựa chọn chế độ ăn uống và các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn…
Để tối đa hóa sự hấp thu chất dinh dưỡng quan trọng này, dưới đây là một số giải pháp:
1. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12
Một trong những cách chính để tăng cường hấp thụ vitamin B12 là đảm bảo nhận đủ lượng vitamin này trong chế độ ăn uống.
Vitamin B12 được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, các sản phẩm từ sữa và trứng. Các nguồn thực vật, chẳng hạn như ngũ cốc tăng cường và men dinh dưỡng, cũng có thể cung cấp B12 cho người ăn chay và thuần chay.
Khi tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật, hãy chọn những nguồn chất lượng cao. Ví dụ, thịt nạc, đặc biệt là các loại nội tạng như gan và cá béo như cá hồi và cá mòi… là những lựa chọn tuyệt vời. Những thực phẩm này không chỉ cung cấp vitamin B12 mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết khác.
Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, đau nhức đầu... nặng hơn có thể tổn thương thần kinh, không thể hồi phục nếu không được điều trị kịp thời.
2. Bổ sung thực phẩm tăng cường trong chế độ ăn uống
Nhiều sản phẩm thực phẩm, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, các sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc thực vật và một số sản phẩm thay thế thịt, được bổ sung vitamin B12.
Những thực phẩm tăng cường này có thể đặc biệt hữu ích cho những người có chế độ ăn kiêng hạn chế, như người ăn chay hoặc thuần chay.
3. Thực phẩm bổ sung và thuốc bổ sung vitamin B12
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vitamin B12 chỉ thông qua chế độ ăn uống, thì thực phẩm bổ sung có thể là một cách hiệu quả để đảm bảo đủ lượng vitamin B12.
Thuốc bổ sung vitamin B12 có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên uống, viên ngậm dưới lưỡi và thuốc tiêm. Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định dạng thuốc và liều lượng bổ sung phù hợp nhất cho nhu cầu cụ thể của bạn.
4. Giải quyết các vấn đề về tiêu hóa
Một số tình trạng bệnh lý và rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh thiếu máu ác tính và bệnh celiac, có thể cản trở sự hấp thụ vitamin B12.
Giải quyết những vấn đề tiềm ẩn này bằng phương pháp điều trị y tế thích hợp có thể giúp cải thiện khả năng hấp thụ B12 của cơ thể.
5. Axit dạ dày thích hợp
Axit dạ dày thích hợp rất cần thiết để hấp thụ B12. Các tình trạng làm giảm axit dạ dày, như achlorhydria, có thể làm giảm khả năng hấp thụ B12 của cơ thể.
Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung hoặc các biện pháp can thiệp khác.
6. Tránh tiêu thụ quá nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày và giảm tiết axit dạ dày. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ B12. Hạn chế tiêu thụ rượu là điều nên làm cho sức khỏe tổng thể.
7. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp xác định sớm những nguy cơ tiềm ẩn và các vấn đề về hấp thụ. Nếu bạn nghi ngờ thiếu vitamin B12 hoặc có các yếu tố nguy cơ hấp thu kém, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được xét nghiệm và hướng dẫn bổ sung thích hợp.
Vitamin B12 cần thiết cho chức năng thần kinh và sản xuất hồng cầu, có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Các sản phẩm động vật như thịt, cá, gia cầm và sữa là nguồn tự nhiên phong phú nhất. Nghêu, gan và cá thu có hàm lượng B12 đặc biệt cao.
Đối với người ăn chay và thuần chay, thực phẩm tăng cường như sữa thực vật, ngũ cốc ăn sáng và men dinh dưỡng có thể cung cấp B12. Ngoài ra, bổ sung B12 được khuyến khích cho những người có chế độ ăn kiêng hạn chế ăn các nguồn tự nhiên.