7 cán bộ ngân hàng BIDV hầu tòa

Thẩm định không đủ điều kiện nhưng Công ty Kenmark vẫn được 3 chi nhánh ngân hàng BIDV cùng 1 số ngân hàng khác cho vay 67.609.583 USD.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Với việc 'ưu ái' cho vay này đã khiến BIDV thiệt hại 181 tỷ đồng do không thu hồi được và nguyên 7 cán bộ của ngân hàng phải hầu tòa.

Vụ án nguyên 7 cán bộ ngân hàng BIDV về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 179, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 14/3 sau khi hoãn vào ngày 2/3 do bị cáo Phạm Anh Tài đề nghị vì luật sư vắng mặt. Dự kiến phiên tòa xét xử trong 3 ngày.

Nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô thừa nhận có sai sót

Tại phiên tòa xét xử ngày 14/3, bị cáo Đỗ Quốc Hùng (nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô) không đồng ý khi bị cáo buộc dù biết Công ty Kenmark tình hình tài chính chưa rõ ràng và chưa có kinh nghiệm đầu tư tài chính tại Việt Nam, đồng thời công ty mẹ chưa đủ năng lực bảo lãnh nhưng vẫn đồng ý cho vay.

Bị cáo cho biết Công ty Kenmark là doanh nghiệp lớn, uy tín ở Đài Loan, kinh doanh hiệu quả khắp thế giới. Ngoài ra, khi xem xét hồ sơ của Kenmark, bị cáo nhận thấy hồ sơ còn có phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Hải Dương, văn bản Thủ tướng chấp thuận mở khu công nghiệp, các bản thiết kế nhà xưởng được tỉnh duyệt…nên nghĩ phải được phê duyệt đầy đủ mới được xây dựng nên tin tưởng.

Khi chủ tọa chất vấn bị cáo có nhớ công văn ngày 26/10/2007, BIDV Hội sở phản hồi, yêu cầu năng lực tài chính chủ đầu tư Công ty Kenmark phải đáp ứng vốn tự có tối thiểu 30% không? Công ty Kenmark có đáp ứng được không?... thì bị cáo cho biết bản thân không nhớ và không biết nội dung này. Bị cáo chỉ nhớ Hội sở có yêu cầu đánh giá kỹ năng lực Công ty Kenmark nên tháng 12/2007, bị cáo đã thành lập tổ thẩm định 13 thành viên chung 3 ngân hàng đồng tài trợ dự án của Công ty Kenmark...

Cuối phần trả lời, bị cáo Hùng thừa nhận “có một phần lỗi” bởi đây là dự án lớn, quá trình quản lý khách hàng, giải ngân, thẩm định chủ đầu tư đã có vài sơ suất.

Còn bị cáo Lưu Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô thừa nhận tại thời điểm giải ngân cho doanh nghiệp, bị cáo nhớ có “thiếu sót” song vụ việc đã quá lâu, đến bây giờ điều tra có thể bị cáo không nhớ chi tiết để khai. Đồng thời cho biết, bản thân chưa có kinh nghiệm và chưa đánh giá đúng các yếu tố thẩm định cho Công ty Kenmark vay, khi làm việc với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bị cáo mới hiểu hết vấn đề.

Không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm định cho vay

Theo cáo trạng, dự án Việt Hòa – Kenmark do Công ty Kenmark (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thực hiện trên khu đất hơn 46 ha tại tỉnh Hải Dương với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng, người đại diện là ông Hwang Jonathan Cheng Yu quốc tịch Mỹ.

Ngày 8/11/2007, Công ty Kenmark có giấy đề nghị vay vốn gửi tới BIDV chi nhánh Thành Đô đề nghị vay số tiền là 69.320.178 USD với thời gian vay là 84 tháng để có tiền thực hiện dự án.

Ngày 19/10/2007, Đỗ Quốc Hùng đã ký tờ trình Tổng Giám đốc BIDV đề nghị đồng ý cho tiếp nhận hồ sơ vay vốn và là ngân hàng đầu mối thẩm định Dự án và được BIDV đồng ý tại văn bản số 6295/CV-TD1 ngày 26/10/2007.

Đến ngày 31/10/2007, BIDV Thành Đô có văn bản gửi các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) chi nhánh Quảng Ninh, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) chi nhánh Bắc Ninh và BIDV chi nhánh Quảng Ninh, BIDV chi nhánh Đông Anh về việc mời đồng tài trợ cho vay đối với dự án Việt Hòa- Kenmark.

Tuy nhiên, trong hồ sơ thẩm định vay vốn, hồ sơ pháp lý dự án không đầy đủ tài liệu đảm bảo yêu cầu đối với dự án xây dựng công trình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36, khoản 2 Điều 37 Luật Xây dựng 2003, hồ sơ không có tài liệu “phê duyệt thiết kế cơ sở các hạng mục nhà xưởng”.

Ngoài ra, về hồ sơ tài chính của Kenmark tại dự án, quý 3/2007 vốn chủ sở hữu là 79.099 triệu đồng, tương đương 4,9% tổng vốn đầu tư; báo cáo tài chính tại thời điểm 31/3/2009 vốn chủ sở hữu tương đương 15,4% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 153/2007/NĐ-CP về điều kiện năng lực tài chính đối với chủ đầu tư dự án đô thị mới, dự án nhà ở, hạ tầng kỹ thuật không được thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt.

Công ty Kenmark 100% vốn nước ngoài phụ thuộc vào chủ sở hữu là Công ty Cheermaster, trong khi đó theo tài liệu Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) thì Công ty Cheermaster có chỉ số rủi ro cao, tình trạng hoạt động: không tồn tại văn phòng hoạt động…

Còn Công ty Kenmark lần đầu thành lập ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở Việt Nam, đơn vị bảo lãnh là Kenmark Industrial ( Đài Loan) có hạn mức tín dụng tối đa khuyến cáo là 350.000 USD.

Như vậy, mặc dù hồ sơ của Kenmark không đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Xây dựng, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ không khả thi, không hiệu quả, năng lực tài chính không đảm bảo.

Nhưng ngày 11/11/2007, Tổ thẩm định dự án Việt Hòa- Kenmark vẫn báo cáo kết quả thẩm định dự án đầu tư đánh giá Công ty này đã đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định, phương án đầu tư hiệu quả, được cấp phép đầy đủ và đề xuất cho Công ty Kenmark vay tối đa 67.609.583 USD.

Theo đó, từ tháng 2/2008 đến tháng 5/2010, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Kenmarrk 52.850.429 USD và 57.480.594.735 đồng, đạt trên 80% giá trị hợp đồng tín dụng.

Ngày 26/6/2010, Công ty Kenmark thông báo tạm dừng hoạt động, người đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam. Các ngân hàng đã thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty và tổ chức bán đấu giá và thu được gần 757 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).

Đối trừ số tiền cho Công ty Kenmark vay đến ngày khởi tố vụ án, dư nợ không có khả năng thu hồi tại SHB, HBB và BIDV là hơn 15,5 triệu USD (tương đương hơn 360 tỷ đồng). Trong đó, số tiền Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại 3 chi nhánh của BIDV tương đương hơn 181 tỷ đồng.

VKS đã xác định việc các ngân hàng giải ngân là không đúng với yêu cầu về hình thức giải ngân theo chỉ đạo của BIDV, vì đến cuối năm 2008, Công ty Kenmark không đủ điều kiện để được vay vốn, không đảm bảo việc thu hồi vốn vay.

7 bị cáo trong vụ án này gồm: Đỗ Quốc Hùng (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô) cùng 4 cán bộ cấp dưới: Lưu Thị Bích Thủy (sinh năm 1962, nguyên Phó Giám đốc), Phạm Anh Tài (sinh năm 1961, nguyên Trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1978, nguyên Phó Trưởng phòng tín dụng), Lại Minh Ngọc (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng thẩm định); Lê Vũ Thanh (sinh năm 1948, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh), Đỗ Xuân Khoan (sinh năm 1973, nguyên Phó Trưởng phòng tín dụng BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh).

Nhóm Pv Pháp đình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/7-can-bo-ngan-hang-bidv-hau-toa-post630073.html