J.R.R Tolkien (bên phải), tác giả của bộ sách kinh điển Chúa tể của những chiếc nhẫn, và bạn thân là tác giả C.S. Lewis, lần đầu gặp nhau ở Oxford, Anh. Trong nhật ký của mình, Lewis viết: “Tôi chẳng có ý làm tổn thương ông ấy đâu, chỉ là muốn đấm cho ông ấy một cái”. Nhưng trái với ấn tượng không tốt ban đầu, đôi bạn sau đó trở nên vô cùng thân thiết và thường nhận xét các tác phẩm của nhau. Ảnh: Csmonitor.
James Baldwin (bên trái) và Toni Morrison gặp nhau lần đầu khi Morrison còn làm biên tập viên ở Random House. Hai tác giả vô cùng trân trọng các tác phẩm của nhau. Baldwin từng nói trong cuốn tự truyện của mình rằng: “Tôi hiểu rõ Toni và tôi rất tin tưởng bà ấy”. Toni Morrison đã viết bài báo cảm động để tri ân bạn của mình trên tờ New York Times. Ảnh: MIC.
Truman Capote (bên trái) nổi tiếng là tác giả yêu thích ánh đèn sân khấu, còn Harper Lee được biết đến là tác giả thích cuộc sống ẩn dật. Tình bạn của họ thật khác thường. Họ là hàng xóm từ thời bé, cùng lớn lên ở Alabama, viết lách và bảo vệ nhau khỏi lũ trẻ hay bắt nạt. Capote thậm chí còn cho rằng nhân vật Dill trong Giết con chim nhại được Harper viết dựa trên nguyên mẫu là bản thân ông. Ảnh: Losarciniegas.
Ernest Hemingway (bên phải) và F. Scott Fitzgerald nổi tiếng "vừa là bạn, vừa là thù" trong nhiều năm. Họ cùng sống ở Paris, Pháp, trong thập niên 20, sau đó trở nên thân thiết. Fitzgerald đã giúp Hemingway biên tập nhiều phần của Mặt trời vẫn mọc. Hemingway “đáp trả” tấm thịnh tình đó bằng cách viết về ông như một kẻ hay than vãn và tồi tệ trong cuốn hồi ký Hội hè miên man. Ảnh: Nationalreview.
Bất kỳ độc giả nào từng đọc tác phẩm Good Omens đều sẽ không ngạc nhiên khi biết Neil Gaiman (bên phải) và Terry Pratchett là bạn bè trong đời thực. Họ lần đầu gặp nhau tại một nhà hàng. Khi đó, Neil Gaiman còn là phóng viên trẻ trung, được cử tới phỏng vấn tác giả văn học kỳ ảo Terry Pratchett. Từ đó, họ trở thành bạn bè thân thiết. Ảnh: WithanAccent.
Anne Sexton (bên trái) và Sylvia Plath là hai nhà thơ đặc biệt. Họ cùng học tại Đại học Boston, Mỹ, cùng thích viết về một chủ đề. Họ thường thảo luận về nghiệp viết và cũng hay gặp gỡ nhau. Ngoài ra, cả hai nữ nhà thơ đều gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và thường bị coi là đối thủ của nhau. Nhưng rõ ràng, họ đều tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn. Ảnh: SemprePositivi.
Mary Shelley (bên trái) là “người mẹ của dòng văn chương khoa học viễn tưởng”. Lord Byron là người tiên phong của thơ lãng mạn. Mary Shelley và chồng là nhà thơ Percy Shelly, đã trở thành bạn tốt với Lord Byron vào một mùa hè, khi cả ba cùng đi nghỉ tại Thụy Sỹ. Tác phẩm để đời của Mary Shelley chính là tiểu thuyết kinh dị Frankenstein. Ảnh: Bustle.
Na Y