Vẽ tranh cổ vũ đội ngũ y tế, hoãn cưới để ra tuyến đầu chống dịch, nhặt rác trên miệng cống thoát nước… là những câu chuyện lan tỏa tinh thần tích cực của giới trẻ trong năm 2020.
Trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều bạn trẻ, diễn đàn đã cùng nhau chia sẻ thông điệp, lan tỏa các câu chuyện đẹp để cổ vũ tinh thần chống dịch. Hình ảnh về những tình nguyện viên, lực lượng dân quân tự vệ, đội ngũ y bác sĩ miệt mài làm việc ngày đêm đã trở thành niềm cảm hứng cho Châu Thị Ngọc Anh (sinh năm 1999, Quảng Nam) - sinh viên năm 3 tại Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) - vẽ nên bộ tranh “Những anh hùng thầm lặng”. Ảnh: Ngọc Anh.
Chia sẻ với Zing, nữ sinh cho biết cô thực hiện bộ tranh này trong thời gian trường cho nghỉ tránh dịch và được vẽ lại dựa trên những bức ảnh trên mạng. Những nét vẽ sâu sắc của Ngọc Anh đã chạm đến trái tim của nhiều người và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân mạng. Ảnh: Ngọc Anh.
Cũng trong mùa dịch Covid-19, nhiều ký túc xá, trường học được tận dụng làm nơi cách ly tập trung. Trước khi chuyển sang khu khác, Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh viên năm 2, ĐH Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Hàn - ĐH Đà Nẵng) đã gửi lại một lá thư cùng quyển sách để cổ vũ tinh thần người chuyển tới. "Đà Nẵng đang trong mùa dịch rất căng thẳng, nếu cô chú có lỡ bị cách ly thì con mong cô chú sẽ lạc quan, vui vẻ để giữ tinh thần thật tốt. Hôm nay, bọn con phải chuyển phòng qua khu ký túc xá khác ở để ký túc xá này làm khu cách ly tập trung", cô viết. Ảnh: Hi Đà Nẵng.
Vào tháng 3/2020, khi Đại học Quốc gia TP.HCM nhường ký túc xá cho người cách ly, nhiều sinh viên đã đăng ký làm tình nguyện viên dọn dẹp, giúp bộ đội, lực lượng dân quân tự vệ vận chuyển đồ đạc. Công việc chính của các tình nguyện viên là kiểm kê tài sản, đóng gói vật dụng cá nhân trong các dãy phòng và chuyển đến kho chứa đồ theo sự phân công của ban quản lý. "Bọn mình đã dọn dẹp bằng tất cả tấm lòng và sự cố gắng. Nếu vẫn còn chỗ bẩn, chưa được sạch, mong mọi người dọn giùm tiếp. Cảm ơn mọi người rất nhiều. Mong người người khỏe mạnh. Quyết thắng đại dịch", Vĩnh Định (sinh năm 1999, sinh viên ngành Điện - Điện tử trường ĐH Bách Khoa) nói với Zing. Ảnh: Phương Thảo.
Thượng úy biên phòng Lê Bá Liêm (sinh năm 1990) và Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1992) có thiện cảm với nhau ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Cả hai dự định “về chung một nhà” vào tháng 4. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Thượng úy Liêm được điều động làm nhiệm vụ kiểm soát khu vực biên giới thuộc đồn biên phòng Hồ Le tại xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai (Kon Tum). Trước tình hình đó, đôi trẻ quyết định hoãn tổ chức đám cưới. Sau 2 tháng tăng cường, cấp trên điều động Liêm về lại Phòng Tham mưu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Gia đình hai bên tiếp tục thống nhất tổ chức hôn lễ cho đôi uyên ương. Ảnh: NVCC.
Song đến tối 1/8, đám cưới tiếp tục bị hoãn lại một ngày sau khi Đà Nẵng ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên, thượng úy Liêm có tên trong danh sách cán bộ được tăng cường lên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ. “Hai lần hoãn cưới khiến cả tôi và Ngọc cùng gia đình hai bên cảm thấy buồn. Tuy nhiên, gánh trên vai nhiệm vụ, tôi hiểu bản thân lúc này cần phải làm gì để bảo vệ biên giới và chống dịch”, Bá Liêm chia sẻ với Zing. Anh cho biết nhiều đồng đội khác của anh cũng phải hoãn ngày trọng đại để trực chiến tại các chốt chặn, hình thành những “lá chắn thép” nhằm kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: NVCC.
Tháng 6/2020, hình ảnh cậu bé 12 tuổi nhặt rác trên các miệng cống thoát nước ở khu tái định cư Long An (Đồng Nai) để đường không bị ngập "gây bão" trên các diễn đàn. Chị Tạ Hương (ngụ Đồng Nai) - chủ nhân đoạn video - cho biết sau khi đi làm về thấy cống ở cạnh nhà được dọn sạch sẽ nên đã cùng ông xã đã mở camera để kiểm tra. Cảm động trước hành động đẹp và ý nghĩa, chị Hương đã chia sẻ lên trang cá nhân với hy vọng tìm ra danh tính của cậu bé. Theo thông tin chị Hương nhận được, nam sinh nhặt rác trong đoạn video là Phạm Trọng Đạt (12 tuổi) ngụ tại tổ 4, ấp xóm Trâu, xã Long An (Long Thành, Đồng Nai). Ảnh: Người Đồng nai.
Ngày 13/10, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại trạm kiểm lâm Sông Bồ (xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), 13 người trong đoàn công tác do thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, chỉ huy đã hy sinh vì đất đá sạt lở vùi lấp. Sau khi nghe câu chuyện và đọc bài thơ do bố sáng tác, Võ Việt Phương, học sinh lớp 12, trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã viết ca khúc Tạm biệt, cha đi để tri ân các chiến sĩ, cán bộ. Bài hát này được Phương viết chỉ trong một đêm. Đoạn video ghi lại khoảnh khắc nam sinh thể hiện ca khúc được chia sẻ trên mạng xã hội và khiến nhiều người xúc động. Ảnh: PTNK.
Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi) là cô gái "gây sốt" trên mạng khi giúp nhiều người nghèo, ốm đau vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, cô từng giúp anh Hải (là lái xe ôm ở huyện Bình Chánh) mua chiếc xe mới để mưu sinh. Sau đó không lâu, Phương tiếp tục đứng ra kêu gọi được hàng trăm triệu đồng giúp anh Tâm - người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ mang cắn - có tiền điều trị, giữ lại được chân. Gần đây nhất là trường hợp chú Minh "cô đơn", hiệp sĩ của làng đại học, bị mất xe ba gác. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ với Zing, Trúc Phương cho biết cô gắn bó với việc thiện nguyện từ thời còn đi học. "Hiện tại, nhờ sự lan tỏa trên mạng xã hội, mình được mọi người biết tới và tin tưởng. Nhưng mình chỉ xem bản thân là chiếc cầu nối, giúp người cần tìm kiếm được nhiều mạnh thường quân. Trong quá trình đó, mình cũng gặp không ít vấn đề, áp lực, từng bị dân mạng chỉ trích", cô bày tỏ. Ảnh: NVCC.