7 câu nói trẻ rất muốn nghe từ cha mẹ

Những câu nói của phụ huynh có thể khiến trẻ tổn thương hoặc khích lệ chúng sống hạnh phúc, tự tin.

1. "Ngày hôm nay của con thế nào?": Nghe có vẻ đơn giản nhưng câu hỏi này lại có tác động sâu sắc. Bằng cách hỏi "Ngày của con thế nào?", cha mẹ thể hiện việc quan tâm đến trải nghiệm của trẻ. Điều quan trọng là bạn phải hỏi câu hỏi này với sự chân thành, lắng nghe cẩn thận và đặt thêm câu hỏi nếu con sẵn sàng nói chuyện. Trẻ em mong đợi sự chú ý này vì nó mở ra một không gian để chúng chia sẻ - có thể là điều gì đó hài hước xảy ra trong giờ ra chơi, bài học mới mà chúng thấy thú vị hay thử thách mà chúng phải đối mặt. Ảnh: Freepik.

2. "Bố/mẹ rất tự hào về con": Trẻ em phát triển mạnh mẽ nhờ sự củng cố tích cực. Nghe những lời tự hào từ bố mẹ có thể là một trong những động lực tăng cường sự tự tin lớn nhất. Sau một ngày dài ở trường với đầy thử thách, một vài lời động viên có thể khiến trẻ cảm thấy được trân trọng. Cụm từ này không chỉ nâng cao lòng tự trọng của trẻ mà còn thúc đẩy chúng tiếp tục nỗ lực. Ảnh: Freepik.

3. "Con không cần phải hoàn hảo": Trường học có thể là một môi trường đầy áp lực, nơi trẻ phải đối mặt với những tiêu chuẩn cao về học tập, kỳ vọng xã hội. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng và sợ hãi về việc không đáp ứng được những kỳ vọng đó. Khi trẻ về nhà và nghe được câu "Con không cần phải hoàn hảo", chúng cảm thấy nhẹ nhõm vì biết rằng chúng có thể thất bại mà không làm bố mẹ thất vọng. Điều này tạo ra một không gian an toàn cho trẻ, nơi chúng có thể là chính mình mà không sợ bị phán xét. Ảnh: Freepik.

4. "Con có cần bố/mẹ hỗ trợ không?": Trẻ em có bài tập về nhà, nhiệm vụ ngoại khóa và đôi khi là áp lực xã hội. Nếu được bố mẹ hỗ trợ hướng dẫn làm bài hoặc đơn giản là lắng nghe một vấn đề, trẻ có thể giảm bớt căng thẳng. Câu nói "Con có cần bố/mẹ hỗ trợ không?" cho trẻ thấy rằng chúng không đơn độc, và việc yêu cầu được giúp đỡ là điều bình thường. Ảnh: Pexels.

5. "Bố/mẹ thích chơi cùng con": Câu nói này thể hiện tình yêu và sự trân trọng vô điều kiện của cha mẹ với con cái, khiến trẻ cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Những khoảnh khắc dành thời gian cùng nhau, dù là trò chuyện, đọc sách hay chơi game, giúp trẻ cảm thấy được yêu thương. Những điều này sẽ xây dựng nền tảng vững chắc cho giá trị bản thân và sự tự tin của trẻ. Ảnh: Freepik.

6. "Bố/mẹ xin lỗi con": Lời xin lỗi là bước đầu tiên để hàn gắn mối quan hệ bị tổn thương. Nó cho thấy cha mẹ sẵn sàng chịu trách nhiệm và sửa chữa sai lầm, giúp trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng hơn. Khi cha mẹ xin lỗi, trẻ giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực như tức giận, thất vọng hoặc buồn bã mà con đang giữ trong lòng. Điều này giúp trẻ cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn, đồng thời học được cách xin lỗi và xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Ảnh: Pexels.

7. "Cảm ơn con đã giúp đỡ bố/mẹ": Trẻ em dành nhiều thời gian và nỗ lực cho việc học tập, làm việc nhà và các hoạt động khác. Lời cảm ơn từ cha mẹ cho thấy những nỗ lực đó được ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là cách đơn giản để khuyến khích chúng thực hiện nhiệm vụ và dạy biết nói lời cảm ơn. Ảnh: Pexels.

Ngọc Bích

Theo Times of India

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-cau-noi-tre-rat-muon-nghe-tu-cha-me-post1533520.html