7 chàng rể 'vàng mười', phụ việc đồng áng, thay nhau chăm sóc bố vợ
Những ngày qua, 7 chàng rể của ông Bùi Thiên Bình bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội. Xem video các anh đến thăm, chăm sóc bố vợ ở viện, cộng đồng mạng không tiếc lời khen ngợi.
Lời tòa soạn
Tục ngữ có câu “Dâu là con, rể là khách”, thể hiện quan niệm của người xưa: Dâu là con – người sống trong nhà, rể là khách – người thi thoảng ghé thăm. Tuy nhiên, thời nay, quan niệm này có phần đã lạc hậu. Nhiều chàng rể coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ, luôn có mặt khi cần, sẵn sàng gánh vác công việc như người con ruột.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Những chàng rể "vàng mười". Mời quý độc giả đón đọc và đóng góp câu chuyện về chàng rể của gia đình mình. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn.
7 chàng rể “vàng mười”
Nghe tin bố nằm viện, chị Bùi Thị Tươi (SN 1987, tỉnh Bắc Giang) cùng chồng vội vã về Thái Nguyên thăm hỏi. Không hẹn mà gặp, các anh em rể khác của chị Tươi cũng có mặt ở bệnh viện chăm sóc bố vợ.
Trước cảnh hiếm có, chị Tươi quay video và chia sẻ lên mạng xã hội. Bất ngờ, đoạn video lan tỏa, thu hút gần 1 triệu lượt xem. Cộng đồng mạng dành nhiều lời khen ngợi và ngưỡng mộ tình cảm con rể dành cho bố vợ.
Bố chị Tươi là ông Bùi Thiên Bình (69 tuổi, tỉnh Thái Nguyên). Vợ chồng ông sinh được 7 con gái và 1 con trai. Các con ông đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Trong đó, 4 người cùng sống ở Thái Nguyên, cách nhà bố mẹ không xa. Chị Tươi lấy chồng Bắc Giang, còn 2 chị em gái khác ở xa.
Chị Tươi kinh doanh tự do, thích quay và đăng tải các video về cuộc sống gia đình lên mạng xã hội. Mỗi lần về thăm bố mẹ, chị đều quay video và đăng lên mạng. Lần này cũng vậy, chị thấy mấy anh con rể nói chuyện rôm rả nên quay lại.
“7 anh con rể nhà tôi rất đoàn kết và yêu quý bố mẹ vợ. Cảnh các anh em cùng vào viện thăm bố vợ khiến các bệnh nhân khác ngưỡng mộ.
Do khoảng cách địa lý, các anh em rể chưa tụ tập đầy đủ. Tuy nhiên, những người ở xa vẫn gọi điện thăm hỏi thường xuyên.
3 anh em rể ở gần sẽ thay nhau ở lại bệnh viện chăm bố vợ. Ngay cả em trai tôi cũng bị các anh rể “đuổi” về nhà chăm con nhỏ”, chị Tươi chia sẻ.
Không trực tiếp chăm bố, chồng chị Tươi và 2 anh em rể khác nhắc vợ gửi tiền bồi dưỡng, nhờ anh chị ở gần chăm thay phần mình. Đó là một chút chân tình, anh em san sẻ khó khăn, cùng nhau chăm lo nhà vợ.
Chị Tươi tâm sự: “Mỗi người có kinh tế khác nhau, báo hiếu bố mẹ người ít người nhiều. Nhưng, nếu xét khía cạnh giúp đỡ bố mẹ vợ thì 3 anh rể đầu gần gũi và gắn bó từ lúc gia đình khó khăn”.
Khoảng thời gian bố mẹ lo cho 5 chị em chị Tươi ăn học phải cậy nhờ 3 anh con rể đầu. Các anh cho bố mẹ vợ vay tiền đóng học phí, sửa sang nhà cửa…
Dù số tiền chỉ vài trăm nghìn hoặc 1 - 2 triệu đồng nhưng trong cảnh thắt ngặt, việc giúp đỡ của các anh kịp thời và đáng quý.
Từ lúc còn bé, chị Tươi đã chứng kiến 3 anh rể ra đồng phụ bố mẹ vợ. Các anh không nề hà công việc đồng áng nặng nhọc, cùng nhau cày bừa, cấy lúa, gặt lúa…
Đến ngày mùa, xóm làng đều biết 3 anh con rể về phụ vợ chồng ông Bình. Bởi, tiếng các anh trò chuyện, tếu táo với nhau vang cả cánh đồng.
Mối quan hệ bố vợ và con rể của gia đình ông Bình rất êm đềm, tình cảm. Làng trên xóm dưới chưa từng chứng kiến 7 chàng rể bất hòa hoặc bố vợ con rể lục đục.
Lễ, Tết các anh theo vợ về nhà mẹ thăm hỏi, quây quần ăn uống. Các anh chủ động biếu tiền cho bố mẹ vợ trước cả vợ.
Chị Tươi cũng như các chị em gái khác thoải mái sắm sửa, quà cáp, biếu tiền cho bố mẹ. Các anh con rể không bao giờ khó chịu, tìm cách hay nói lời ngăn cản.
Gieo nhân lành gặt quả ngọt
Mối quan hệ bố vợ con rể nhà ông Bình bền chặt không phải do may mắn mà được vun đắp, nuôi dưỡng từ hai phía.
Dù thân thiết nhưng ông Bình không bao giờ hành xử bỗ bã với con rể. Với người có mặt hoặc vắng mặt, ông cư xử nhã nhặn, xưng bố gọi con. Ông chưa khi nào nhận xét, bình phẩm con rể này trước mặt con rể kia, chê bai con rể với con gái…
Những lần tụ họp, ông Bình gọi tất cả con rể ngồi chung, dù chật chội cũng không tách mâm. Mỗi bữa cơm sum họp, ông khéo léo khuyên răn, mong con cái, dâu rể đoàn kết, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Mỗi khi vợ chồng con gái gặp khó khăn, ông Bình luôn xuất hiện bên cạnh, động viên và hỗ trợ.
“Những lúc khó khăn về kinh tế, mất người thân, anh rể cả thường tìm bố tôi tâm sự. Bố tôi ngồi hàng giờ lắng nghe, cho anh ấy lời khuyên.
Hay chuyện 10 năm trước, anh rể thứ hai phát hiện mắc bệnh ung thư máu. Anh ấy suy sụp tinh thần khiến cả nhà hoang mang.
Lúc đó, bố tôi vô cùng lo lắng nhưng cố giữ bình tĩnh, động viên và chở anh ấy bằng xe máy xuống Hà Nội khám bệnh.
Tại bệnh viện, bố tôi xin vào gặp bác sĩ, hỏi han bệnh tình của con rể. Bác sĩ nói, nếu gia đình chăm sóc tốt thì anh rể có thể sống thêm 2-3 năm.
Từ đó, bố tôi nhiệt tình, xông xáo chở con rể đi bệnh viện lấy thuốc. Anh rể được bố vợ quan tâm, sống lạc quan 10 năm nay”, chị Tươi kể.
Bố vợ chu đáo, quan tâm con cái như ông Bình nên được các con rể yêu kính như bố đẻ. Ông không có nhiều tiền nhưng tấm lòng bao la, tình thương yêu con gái con rể vô bờ bến.
Ông Bình gieo nhân lành nên gặt quả ngọt. Trải qua bao biến cố, gia đình ông dần ổn định, con cái an cư lạc nghiệp.
Thỉnh thoảng, con cháu, dâu rể hẹn nhau tụ họp về thăm vợ chồng ông Bình. Mỗi lần như thế, nhà ông bà rộn ràng như hội.
Vợ chồng ông làm thịt 2 con gà, chở nhau ra chợ mua thêm thịt heo, bò… nấu nướng đủ món ngon thết đãi. Hai người thích tự tay chuẩn bị 4 mâm cỗ cho con cháu thưởng thức.
Nhìn con gái ăn uống ngon lành, ông Bình yên tâm say sưa bên 7 chàng rể quý và cậu con trai. Mâm cơm của cánh đàn ông lúc nào cũng chật chội nhưng tràn ngập niềm vui.