1. Thảm họa Oxy hóa lớn (2.3 tỷ năm trước). Oxy là một phần thiết yếu trong sự sống của con người, tuy nhiên sự ra đời của "nguồn sống" này thực chất là nguyên nhân dẫn đến cuộc tuyệt chủng đầu tiên trên Trái Đất.
Khi vi khuẩn lam xuất hiện và thực hiện quá trình quang hợp, sử dụng ánh sáng mặt trời để hấp thụ CO2 và giải phóng năng lượng đã tạo ra sản phẩm phụ là oxy, đây là chất độc đối với các sinh vật kỵ khí (không thở ôxy) ở thời điểm hiện tại.
Lượng oxy tích tụ lại sau 200 triệu năm đã khiến cho tất cả các sinh vật kỵ khí thời điểm bấy giờ không thể sống sót nổi, gây nên cuộc diệt chủng đầu tiên trong lịch sử. May mắn thay sau đó, sinh vật hiếu khí đã phát triển, giúp cân bằng lại oxy cho Trái Đất.
2. Đại tuyệt chủng Ediacaran (542 triệu năm trước). Sự sống đầu tiên trên Trái Đất chỉ ở kích thước hiển vi – các loại sinh vật hữu cơ đơn bào. Chúng đã ngự trị trong khoảng 3 tỉ năm, cho đến khi loài hữu cơ đa bào đầu tiên tiến hóa.
Loài tiến hóa thành công nhất là Ediacaran, chúng đã phát tán khắp Trái Đất khoảng 600 triệu năm trước. Chúng là những dạng thủy sinh phần lớn là bất động. Tuy nhiên, sự tiến hóa đã sản sinh ra một sự đột phá lớn khác: động vật đa bào.
Động vật đa bào xuất hiện đã làm thay đổi môi trường sống và khiến cho cuộc sống của Ediacaran trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đặt dấu chấm hết cho loài sinh vật có tên Ediacaran.
3. Đại tuyệt chủng Ordovic. Sự tuyệt chủng hàng loạt Late Ordovic bao gồm hai sự kiện tuyệt chủng trong kỷ Hirnant, giai đoạn cuối cùng của Ordovic khoảng 444 triệu năm trước, và được coi là một trong những sự kiện tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử sinh học của Trái đất.
85% tất cả các loài sinh vật biển đã tuyệt chủng, cùng với đó là 85% tổng số loài, 60% tổng số chi và 25% tổng số họ bị xóa sổ.
Lời giải thích khả thi nhất là sự giảm đột ngột, không rõ nguyên nhân của hàm lượng oxy trong các đại dương trên thế giới vào thời điểm đó khiến cho các sinh vật khó có thể sống sót.
4. Tuyệt chủng Devon muộn (375 triệu năm trước). Giống như tuyệt chủng Ordovic, tuyệt chủng muộn kỷ Devon dường như bao gồm một chuỗi sự kiện kéo dài tới 25 triệu năm.
Theo nhà cổ sinh học McLaren, một thiên thạch có đường kính lớn đã va chạm với Trái đất, gây nên những đợt sóng thần, tàn phá hệ sinh thái bờ biển, đồng thời gây xáo trộn các tầng biển sâu.
5. Đại tuyệt chủng kỷ Permi - Tam Điệp (250 triệu năm trước). Đây được coi là đại tuyệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử sinh học của Trái đất, xóa sổ 95% động vật dưới đại dương và 70% động vật trên cạn, thiết lập gần như toàn bộ hệ thống sinh giới.
Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do sự vận động kiến tạo mạnh mẽ của lớp vỏ Trái Đất, gây nứt gãy, dồn nén các mảng lục địa. Sự phun trào magma lên bề mặt Trái đất đã nhấn chìm tất cả trong biển lửa.
6. Đại tuyệt chủng kỷ Jura, còn được gọi là tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp (200 triệu năm trước). Nhiều loài động vật có xương sống trong đại dương và bò sát biển đã biến mất. Khoảng 23% số họ, 48% số chi đã bị tuyệt chủng.
Sự kiện hủy diệt này đã tạo điều kiện cho khủng long thống trị hành tinh suốt kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng (Creta).
7. Thiên thạch "định mệnh" kỷ Phấn Trắng (65 triệu năm trước). Tiểu hành tinh Chicxulub, rộng khoảng 12 km, đã đâm xuống Trái Đất ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Yucatán của Mexico ngày nay với vận tốc ước tính 70.000 km/h.
Sự kiện này đã khiến bụi và các mảnh rác phun ra bầu khí quyển, dẫn đến sự nguội lạnh toàn cầu và khiến các hệ sinh thái gần như sụp đổ ngay lập tức, bao gồm cả triều đại khủng long hưng thịnh.
Vậy cuộc đại tuyệt chủng tiếp theo thì sao? Có thể chúng ta đang bước vào một thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt khác ngay bây giờ? Đa số các nhà khoa học đồng ý rằng, Trái Đất đang trải qua một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt được gọi là tuyệt chủng Holocen.
Cuộc tuyệt chủng này khác so với những sự kiện khác trước bởi nguyên nhân là do tác động của con người. Các nhà khoa học cảnh báo việc loài người tiêu thụ và tàn phá bừa bãi là nguyên nhân cho sự kiện này.
Một nghiên cứu năm 2017 tuyên bố, “sự tuyệt diệt sinh học” của động vật hoang dã trong những thập kỷ gần đây đã gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu và cho biết Trái đất đang hướng tới một “cuộc hoảng khủng toàn cầu”.
Đây có thể là cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên kể từ thời khủng long. Hiện nay khoảng 41% các loài lưỡng cư và hơn một phần tư các loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Lê Trang (TH)