7 dấu hiệu cha mẹ đang chiều chuộng con quá mức

Cha mẹ nào cũng muốn con được hạnh phúc, nhưng việc chiều chuộng quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi.

1. Trẻ nổi cơn giận khi không đạt được điều mình muốn: Theo Times of India, nếu trẻ liên tục nổi cơn giận dỗi khi cha mẹ từ chối mua cho chúng thứ gì đó hoặc khi mọi thứ không diễn ra theo ý trẻ, đó là dấu hiệu rõ ràng của việc được nuông chiều quá mức. Trẻ khó chấp nhận việc bị từ chối và luôn mong đợi sự thỏa mãn ngay lập tức.

2. Trẻ không tôn trọng quy tắc: Trẻ em được nuông chiều quá mức có xu hướng bỏ qua các quy tắc hoặc thách thức bố mẹ, giáo viên hay người lớn tuổi. Chúng thường bỏ qua các hướng dẫn và mong đợi được đối xử đặc biệt.

3. Trẻ quá phụ thuộc vào cha mẹ: Trẻ nhỏ phụ thuộc vào cha mẹ là điều hiển nhiên, nhưng một đứa trẻ được nuông chiều quá mức có thể từ chối tự làm mọi việc, ngay cả khi chúng có khả năng. Điều này xuất phát từ việc trẻ đã quen được bố mẹ làm cho mọi thứ, từ những việc nhỏ nhất như mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi đến những việc lớn hơn.

4. Trẻ mong đợi phần thưởng cho những nhiệm vụ cơ bản: Khi liên tục được khen thưởng, trẻ có thể cho rằng mọi hành động của mình đều xứng đáng được ca ngợi, ngay cả với những việc cơ bản nhất như đánh răng, làm bài tập về nhà hoặc dọn đồ chơi. Lâu dần, động lực nội tại sẽ suy giảm, khiến trẻ trở nên thụ động và chỉ muốn làm khi có lợi ích vật chất hoặc lời khen.

5. Trẻ dễ cảm thấy sốc, thất vọng: Khi trẻ luôn được đáp ứng mọi nhu cầu và mong muốn một cách dễ dàng, chúng ít có cơ hội trải nghiệm cảm giác không đạt được điều mình muốn. Do đó, chúng không học được cách thích nghi, tìm giải pháp hoặc chấp nhận những điều không như ý. Khi thực tế không đạt như kỳ vọng, chúng dễ cảm thấy sốc, bất mãn và khó chấp nhận.

6. Trẻ luôn muốn có nhiều hơn: Vì đã quen với việc dễ dàng có được mọi thứ mình muốn mà không cần nỗ lực hay chờ đợi, trẻ thường không hài lòng với những gì mình có và liên tục tìm kiếm thêm đồ chơi, đồ ăn vặt hoặc đặc quyền. Chúng có thể trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ đến nhu cầu cá nhân và không quan tâm đến người khác.

7. Trẻ từ chối làm việc nhà: Trẻ quen với việc được phục vụ và không tự mình giải quyết các công việc cá nhân hay công việc chung, vì vậy, chúng từ chối giúp đỡ việc nhà và luôn mong đợi người khác làm thay. Khi lớn lên, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tự lập, hòa nhập với cộng đồng và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/7-dau-hieu-cha-me-dang-chieu-chuong-con-qua-muc-post1546293.html