7 điểm yếu của smartphone thời kỳ đầu
Màn hình kém, bộ nhớ thấp, chất lượng ảnh tệ khi zoom camera là những điểm yếu của smartphone thời kỳ đầu, nay đã được phá bỏ.
Điện thoại thông minh đang dần nhàm chán, nhưng những chiếc máy này đã giải quyết được nhiều vấn đề của smartphone 10 năm trước, từ chất lượng máy ảnh đến thời lượng pin và các chuẩn kết nối. Cũng có những thay đổi tích cực trên smartphone hiện nay mà người dùng không nhận ra.
Màn hình kém
Cuộc chiến giữa OLED và LCD đã từng bất phân thắng bại trong những ngày đầu của smartphone. Đó là sự so kè về chất lượng hiển thị giữa Samsung Galaxy S sử dụng màn hình OLED cùng LG, HTC và iPhone dùng tấm nền LCD. Khoảng 10 năm trước, màn hình OLED chưa vượt trội về chất lượng như bây giờ.
Một trong những vấn đề lớn nhất của công nghệ OLED là hiện tượng lưu ảnh (burn-in), tức là có những thành phần hiển thị bị giữ vĩnh viễn trên màn hình. Không có gì lạ nếu người dùng nhìn thấy bóng mờ trên màn hình OLED của những chiếc điện thoại cũ. Hiện tượng này vẫn còn xảy ra ở năm 2021, nhưng những tiến bộ trong lĩnh vực sản xuất tấm nền đã giúp giảm thiểu vấn đề này.
Chất lượng hình ảnh cũng là một vấn đề khác của tấm nền OLED. Trong giai đoạn đầu, loại màn hình này có khả năng hiển thị tệ hơn nhiều so với hiện tại. Rất khó để theo dõi thông tin trên màn hình OLED dưới ánh sáng mạnh.
Cuối cùng, chi phí là rào cản khiến cho nhiều chiếc điện thoại không được trang bị công nghệ này. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, giá của tấm nền OLED đã giảm đáng kể. Hiện tại người dùng có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc điện thoại tầm trung của Xiaomi hay Samsung sử dụng công nghệ màn hình này.
Máy bị chậm đi sau một thời gian sử dụng
Năm 2012, những chiếc điện thoại Android thường xuyên gặp hiện tượng bộ nhớ trong chậm đi sau một khoảng thời gian sử dụng, đặc biệt là các sản phẩm máy tính bảng Google cũng như điện thoại Asus Nexus 6.
Máy tính bảng Nexus vốn được xuất xưởng với bộ nhớ eMMC khá chậm, nhưng nguyên nhân chính đến từ cách hệ điều hành Android xử lý bộ nhớ flash. Rất may, Google đã tạo ra một tính năng liên quan đến lưu trữ gọi là TRIM từ Android 4.3 để cải thiện vấn đề đọc ghi của bộ nhớ trong khoản thời gian dài.
Rắc rối về danh bạ và dữ liệu
Người dùng phải thực hiện việc chuyển danh bạ thủ công khi đổi điện thoại trong thời kỳ đầu của smartphone. Đây cũng là một vấn đề đã được khắc phục trên những chiếc máy hiện đại.
Hiện tại, thông qua tài khoản Google, người dùng có thể truy cập nhiều dữ liệu quan trọng trên các thiết bị khác nhau. Người sử dụng điện thoại Android có thể sao lưu nhanh chóng dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới thông qua tài khoản Google. Ngoài ra, các nhà sản xuất OEM của Android cũng trang bị các công cụ truyền dữ liệu của riêng từng hãng.
Khả năng zoom của camera
Khả năng thu phóng của máy ảnh trên điện thoại vào thời điểm đầu vẫn còn khá tệ, vì những dòng smartphone chủ yếu dựa vào zoom kỹ thuật số. Nhưng điều này đã thay đổi trên flagship hiện tại.
Ngày nay, người dùng có thể tìm thấy các điện thoại cao cấp có trang bị camera tele 2X, 3X hoặc 5X để chụp các vật thể từ xa. Không chỉ vậy, một số máy còn được trang bị 2 ống kính tele để đa dụng hơn.
Tuy nhiên, không phải chiếc điện thoại thông minh nào cũng có camera tele. Những chiếc máy thấp cấp vẫn có thể chụp ảnh thu phóng nhờ vào thuật toán và cảm biến camera. Các thiết bị được trang bị camera độ phân giải cao 48 MP, 64 MP hay 108 MP cho phép phóng to hình ảnh mà không bị giảm chất lượng.
Không gian lưu trữ gò bó
Việc có bộ nhớ trong hạn chế là một trong những vấn đề lớn nhất của điện thoại thông minh đời đầu. 8 GB là dung lượng bộ nhớ trong tiêu chuẩn của những chiếc smartphone nhiều năm trước, mức 16 GB hoặc 32 GB chỉ có trên máy flagship. Đây không phải là con số quá lớn, thậm chí nhiều máy giá rẻ chỉ có 4GB để lưu trữ.
Đến năm 2021, bộ nhớ trong không còn là mối lưu tâm lớn của người dùng khi mua điện thoại. Hầu hết smartphone hiện tại có dung lượng lưu trữ lớn nhờ chi phí sản xuất bộ nhớ giảm xuống. Trên thực tế, các dòng điện thoại bình dân đều được trang bị dung lượng từ 32-128 GB.
Các cách lưu trữ đám mây trở nên phổ biến cũng giúp giảm tải gánh nặng cho bộ nhớ trong của smartphone. Google Photos tuy không còn miễn phí nhưng ứng dụng này vẫn cung cấp khả năng sao lưu hình ảnh, video tự động.
Ngoài ra, với sự ra đời của các chuẩn nén mới như HEVC, HEIF, hình ảnh và video chiếm ít dung lượng lưu trữ hơn mà vẫn giữ được chất lượng cao.
Ảnh chụp HDR kém
Một trong những vấn đề lớn nhất của camera điện thoại thông minh đời đầu là chụp ảnh HDR khá tệ. Công nghệ này kết hợp nhiều khung hình ở các độ phơi sáng khác nhau để tạo ra một bức ảnh có dải tương phản động rộng hơn.
Tuy nhiên khi mới được trang bị trên smartphone, tính năng này hoạt động không hề hiệu quả. Vấn đề ở đây là cảm biến ảnh và bộ vi xử lý của điện thoại đời đầu không thể chụp và kết hợp khung hình đủ nhanh để ngăn hiện tượng bóng mờ.
Nhưng khả năng chụp ảnh HDR được nâng cấp lớn vào khoảng 2014 với những chiếc máy như Galaxy S5. Các thiết bị này có khả năng chụp HDR theo thời gian thực và kết hợp khung hình nhanh chóng giúp cho ra ảnh sắc nét và không bị bóng mờ.
Bảo mật yếu
Trong thời kỳ đầu, người dùng chỉ có giải pháp dùng mã pin hoặc hình vẽ để bảo mật điện thoại. Đây không phải là cách nhanh nhất để người dùng mở khóa thiết bị, nhưng không có lựa chọn nào khác.
Đến 2021, tính năng mở khóa vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt đã được trang bị cho hàng trăm triệu điện thoại thông minh. Đây là tính năng mặc định phải có của các dòng smartphone hiện thời, ngay cả với những chiếc máy giá dưới 150 USD như Moto E hay Nokia 2.4.
Các cảm biến vân tay trên smartphone hiện đại đều rất nhanh và chính xác. Một bước phát triển mới là vân tay bên dưới màn hình cũng hoạt động hiệu quả. Công nghệ bảo mật này không chỉ dùng để mở khóa điện thoại mà còn giúp đăng nhập tài khoản ngân hàng hay truy cập các tệp tin trên thiết bị.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/smartphone-ngay-nay-da-tot-hon-rat-nhieu-post1242717.html