7 hệ lụy nghiêm trọng do thiếu ngủ kéo dài, điều số 5 dễ bị xem nhẹ nhưng cực nguy hiểm
Thiếu ngủ không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải mà còn âm thầm tàn phá nhiều cơ quan quan trọng.
Dưới đây là những tác hại nguy hiểm nhất của thiếu ngủ mà bạn cần biết để chủ động phòng tránh.

Thiếu ngủ kéo dài gây hại cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
1. Suy giảm nhận thức, dễ gây tai nạn
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thiếu ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung và xử lý thông tin. Người thiếu ngủ thường phản ứng chậm chạp, dễ mắc sai sót trong công việc hoặc khi tham gia giao thông, từ đó làm tăng nguy cơ tai nạn.
Đặc biệt, khi thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung cao độ, hiệu suất làm việc sẽ sụt giảm rõ rệt.
2. Suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh
Giấc ngủ chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ miễn dịch. Khi ngủ, cơ thể sản sinh ra các cytokine - protein thiết yếu giúp điều hòa phản ứng miễn dịch và kiểm soát viêm nhiễm.

Thiếu ngủ kéo dài làm suy giảm hệ miễn dịch.
Thiếu ngủ kéo dài khiến quá trình sản xuất cytokine bị suy giảm, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh, vết thương lâu lành và giảm hiệu quả của vaccine. Lâu dài, điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính và suy giảm miễn dịch.
3. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, rối loạn nhịp tim và các bệnh tim mạch khác. Ngủ không đủ giấc gây mất cân bằng hormone điều hòa huyết áp, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
4. Ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc
Thiếu ngủ khiến não bộ khó điều tiết cảm xúc. Người thiếu ngủ dễ cáu gắt, lo âu, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm. Ngủ không đủ còn làm giảm khả năng giải quyết vấn đề và ghi nhớ.

Thiếu ngủ khiến não bộ khó điều tiết cảm xúc.
5. Gia tăng nguy cơ đột quỵ
Ngủ dưới 5 tiếng mỗi đêm làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 3 lần so với người ngủ đủ giấc. Ngoài ra, các rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 51%.
Thiếu ngủ gây rối loạn huyết áp, thúc đẩy nguy cơ béo phì, những yếu tố chính dẫn đến đột quỵ.
6. Tổn thương chức năng thận
Ngủ không đủ giấc ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lọc máu và loại bỏ chất thải của thận. Ngoài ra, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và cao huyết áp, hai nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.
Hệ quả lâu dài có thể dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng và giảm khả năng chống lại các nhiễm trùng.
7. Làm tăng nguy cơ ung thư
Thiếu ngủ có liên quan đến nguy cơ hình thành polyp đại tràng, tiền thân của ung thư đại tràng. Đặc biệt ở người lớn tuổi, thiếu ngủ kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác như dạ dày, tuyến giáp và bàng quang.
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Để bảo vệ cơ thể khỏi những hệ lụy nguy hiểm do thiếu ngủ kéo dài, mỗi người nên duy trì thói quen ngủ đủ giấc, đảm bảo từ 7-8 tiếng mỗi đêm.