7 khác biệt giữa tố tụng trọng tài và tòa án
Trọng tài chỉ xét xử một lần và có hiệu lực thi hành ngay, trong khi tòa án phải trải qua nhiều cấp xét xử.
Tòa án và trọng tài thương mại đều là những hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại. Thủ tục của hai cơ quan này đều dựa trên những nguyên tắc chung như tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, đảm bảo sự độc lập của người tài phán. Tuy nhiên, cơ chế tố tụng của hai cơ quan này có những sự khác biệt cơ bản về tính chất pháp lý, thẩm quyền, điều kiện thụ lý, nguyên tắc xét xử...
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, sẽ làm rõ hơn về sự khác nhau giữa hai cơ chế này.
Khác nhau về thẩm quyền, pháp lý
Theo LS Hậu, giữa tòa án và trọng tài có sự khác biệt rõ về tính chất pháp lý. Tòa án là cơ quan nhà nước nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp. Trong quá trình tố tụng, tòa án nhân danh Nhà nước để xem xét, xử lý vi phạm pháp luật nhằm duy trì trật tự công cộng và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà kinh doanh.
Trong khi các trung tâm trọng tài là các tổ chức phi chính phủ, mang tính chất xã hội, nghề nghiệp. Các trung tâm trọng tài không do Nhà nước quyết định thành lập, mà do các trọng tài viên thỏa thuận xin phép Nhà nước để được thành lập. Các trung tâm trọng tài không nằm trong cơ cấu thiết chế nào của bộ máy nhà nước và cũng không phải là một cơ quan xét xử của Nhà nước.
Trọng tài được thành lập nhằm cung cấp cho các nhà kinh doanh một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện, phù hợp với tâm lý của doanh nghiệp. Chính sự khác biệt cơ bản này làm nên sự khác biệt về tố tụng giữa hai cơ quan trên.
Về thẩm quyền theo vụ việc, tòa án có thẩm quyền rộng hơn (giải quyết hầu hết tất cả tranh chấp trong kinh doanh) so với trọng tài. Thẩm quyền của trọng tài chỉ được xác lập khi có sự thỏa thuận của các bên trong tranh chấp.
Thẩm quyền theo lãnh thổ thì không phải vụ tranh chấp trong kinh doanh nào cũng được tòa thụ lý giải quyết. Đơn kiện chỉ được tòa án thụ lý giải quyết khi được chuyển đến tòa án có thẩm quyền giải quyết. Ngược lại, ở cơ chế trọng tài, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn bất cứ trung tâm trọng tài nào để giải quyết theo ý muốn và sự tín nhiệm của họ. Khi tranh chấp đã được các bên thỏa thuận đưa ra trung tâm trọng tài nào giải quyết thì trung tâm đó có quyền thụ lý tranh chấp.
Như vậy, về thẩm quyền vụ việc thì tòa án có thẩm quyền rộng hơn so với trọng tài, còn thẩm quyền lãnh thổ trong tố tụng trọng tài lại không được đặt ra.
Trọng tài chỉ xét xử một lần
LS Hậu cho rằng trung tâm trọng tài chỉ xét xử một lần đối với các tranh chấp kinh doanh, thương mại, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo, kháng nghị. Đây là nguyên tắc đặc trưng của tố tụng trọng tài so với tòa án. Nó xuất phát từ bản chất của tố tụng trọng tài là nhân danh ý chí và quyền định đoạt của các bên đương sự. Họ đã tự lựa chọn và tín nhiệm người phán xử cho mình thì đương nhiên phải phục tùng quyết định của người đó.
Đối với tố tụng tòa án thì có nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, thậm chí còn bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.
Về điều kiện khởi kiện, do xuất phát từ nguyên tắc tự nguyện nên các bên đương sự hoàn toàn có thể lựa chọn các hình thức trọng tài mà họ cho là phù hợp. Lựa chọn này trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các chủ thể, không có sự áp đặt ý chí của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào.
Chính vì vậy, khi có tranh chấp xảy ra, các bên chỉ có thể đưa vụ tranh chấp ra trung tâm trọng tài để giải quyết khi đã có sự thỏa thuận trước về việc này. Điều này có nghĩa là sự thỏa thuận trọng tài là điều kiện quyết định quyền khởi kiện của đương sự. Đây là điều mà trong tố tụng tòa án không có.
Trọng tài không có nguyên tắc xét xử tập thể như tòa án. Việc chọn một hay nhiều trọng tài viên để giải quyết tranh chấp cho mình là quyền của các bên tranh chấp, pháp luật không can thiệp. Pháp luật chỉ can thiệp khi các bên không thỏa thuận được về cách thức lựa chọn trọng tài viên.
Ví dụ, khi các bên không nhất trí chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp thì mỗi bên tranh chấp sẽ chọn cho mình một trọng tài viên. Hai người được chọn sẽ chọn một người thứ ba làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Trường hợp hai trọng tài không chọn được người thứ ba đó thì quyền quyết định thuộc về chủ tịch trung tâm trọng tài.
Công khai hay giữ kín thông tin?
Cũng theo LS Hậu, việc xét xử của tòa án không chỉ có mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự mà còn có ý nghĩa giáo dục việc tuân theo pháp luật. Do vậy, hầu hết các phiên tòa đều được tiến hành công khai, các bản án thường được công bố rộng rãi trước công chúng. Điều này dẫn đến khó khăn khi bảo vệ các thông tin bí mật kinh doanh. Trong khi tố tụng trọng tài thì mọi tình tiết và kết quả không được công bố (nếu không có sự chấp thuận của các bên). Xuất phát từ nhu cầu phải bảo vệ bí mật nghề nghiệp kinh doanh mà pháp luật không buộc các phiên họp xét xử trọng tài phải công khai. Quyết định của trọng tài cũng sẽ được giữ bí mật, không công khai nếu các bên không có yêu cầu. Nguyên tắc này hoàn toàn khác với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án.
Tố tụng trọng tài là một thủ tục hết sức mềm dẻo và linh hoạt. Các thủ tục đơn giản, thuận tiện, đảm bảo thời cơ kinh doanh của các bên tranh chấp.
Ví dụ, các bên tranh chấp có thể chọn tổ chức trọng tài, trọng tài viên mà mình tin tưởng để giải quyết vụ kiện, chọn địa điểm để tiến hành trọng tài, thậm chí các bên có thể thỏa thuận với nhau lập ra quy tắc tố tụng áp dụng cho vụ kiện.
Trong khi tòa án bị ràng buộc bởi các quy tắc tố tụng nghiêm ngặt, phải tuân thủ các yêu cầu nhiều khi mang tính nghi thức, luật áp dụng được coi là bất di bất dịch.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/7-khac-biet-giua-to-tung-trong-tai-va-toa-an-876783.html