7 lần ngã xuống, 8 lần đứng lên: 'chữa lành' để trưởng thành

7 lần ngã xuống, 8 lần đứng lên là cuốn tản văn kỹ năng sống của tác giả Phạm Thị Ngọc Duẩn, chia sẻ những câu chuyện thực tế và bài học tham khảo dành cho các độc giả trẻ - những ai 'chông chênh, mệt mỏi' có thể thấu hiểu nội tâm và tìm lại định hướng trong cuộc sống lẫn sự nghiệp.

Tác giả sinh năm 1982, là chuyên gia/cố vấn truyền thông tiếp thị, quản lý cấp cao tại các môi trường đa văn hóa và giảng viên thỉnh giảng chuyên ngành marketing.

Tác giả sinh năm 1982, là chuyên gia/cố vấn truyền thông tiếp thị, quản lý cấp cao tại các môi trường đa văn hóa và giảng viên thỉnh giảng chuyên ngành marketing.

Nếu như “chữa lành” là cụm từ hay được nhắc đến gần đây trong giới trẻ thì 7 lần ngã xuống, 8 lần đứng lên là quyển sách tái hiện hành trình trưởng thành đi qua nhiều cung bậc “đối diện với khổ đau, chữa lành và can đảm đứng lên” của tác giả.

“Thất chuyển bát khởi”

Phạm Thị Ngọc Duẩn vui vẻ khi được hỏi về tựa sách đầu tay vừa ấn tượng, vừa khá quen thuộc của cô: “Lấy cảm hứng từ câu thành ngữ cổ Nhật Bản “Thất chuyển bát khởi” - nghĩa là “ngã xuống bảy lần, đứng lên tám lần” hàm nghĩa động viên mọi người vượt qua những lần vấp ngã vẫn luôn kiên cường đứng dậy và không bao giờ bỏ cuộc. Tôi đặt tựa sách để gửi gắm rằng trong đời ai cũng sẽ có lúc mệt mỏi, chao đảo, gặp nhiều thử thách thì vẫn nên cố gắng gượng dậy, đứng dậy. Tôi tin chắc rằng ẩn sâu trong mỗi con người chúng ta luôn có một sức mạnh để chịu đựng, vượt qua bất kỳ thử thách nào và tiếp tục tiến lên”.

Những câu chuyện trên hành trình sự nghiệp làm việc và giảng dạy của Ngọc Duẩn dễ đồng cảm bởi nó chân thật và gợi mở “câu thần chú” về sự kiên trì và đức yêu thương.

Quyển sách của Ngọc Duẩn còn hướng tới “khả năng tự cân bằng” - điều mà cô tâm đắc từ khuôn mặt Daruma - biểu tượng cho linh hồn và ý chí bất khuất không gục ngã của người Nhật. 7 chương sách chính là hành trình tìm kiếm bản sắc, tìm được đam mê, xây dựng sự nghiệp, trui rèn đức tính kiên trì, sự nương tựa vào gia đình, chấp nhận đối diện với khổ đau vẫn can đảm yêu thương và có thể trở thành người hỗ trợ cho những người khác.

“Trong số này, tôi muốn nhấn mạnh sự kiên trì là bài học xuyên suốt và “câu thần chú” cho các bạn trẻ độ tuổi 20-30 bước vào đời nên lưu tâm xây dựng cho mình. Kiên trì trong công việc, kiên trì tìm kiếm đam mê, kiên trì vượt qua khổ đau, kiên trì với tình yêu, kiên trì chờ đợi cho thời điểm chín muồi và cả việc đừng đánh mất những người kiên trì ủng hộ chúng ta” - Ngọc Duẩn chia sẻ.

Nếu con đường bạn là riêng biệt, “chẳng mấy ai đi” thì sao? Ngọc Duẩn cho rằng “hãy cứ sống tử tế và ôm lấy mục đích của mình, cùng với niềm vui khi ta thực hiện lý tưởng riêng”, bởi qua khổ đau chính là hạnh phúc. Hay hình tượng mà tác giả nhắc đến để thể hiện thông điệp đó chính là hình ảnh “phượng hoàng tái sinh” trong gian nan và lời nhắn gửi chân thành: “Đích đến của mỗi người quyết định tâm thế trong cuộc sống. Đừng bỏ cuộc trước bình minh”.

Bạn không cô đơn đâu!

“Tôi sẽ trở thành con người như thế nào? Tôi sẽ làm nghề gì? Tôi sẽ sống ở đâu? Tôi sẽ kết hôn với ai? Tôi học đến trình độ nào? Tôi sẽ làm gì hôm nay?” - hẳn đây là những câu hỏi mà người trẻ hay tự hỏi mình khi vào đời. Sách 7 lần ngã xuống, 8 lần đứng lên như một “người bạn” thủ thỉ với độc giả - những ai “đang hoang mang ở ngã ba đường” rằng bạn không cô độc. Sống là một hành trình không đơn giản, nhưng bạn có thể cảm thấy mình khá hơn, quên đi mọi khó nhọc khi bước đi từng bước trên “bản đồ cuộc đời”. Tác giả nhấn mạnh bạn “có quyền được thất bại” và “ước mơ là điều bạn phải tin vào”.

Trong hành trình sống, chúng ta sẽ liên tục dịch chuyển giữa nhiều phiên bản khác nhau của chính mình. Ngọc Duẩn nhắc đến đoạn thoại hay nhất của nhân vật Scarlett trong tiểu thuyết và bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió của nữ văn sĩ Margaret Mitchell là “Ngày mai là một ngày khác”. Cô viết: “Chỉ cần kiên trì cố gắng, chỉ cần qua được hôm nay, qua thêm một ngày, rồi lại một ngày nữa. Tiếp tục như vậy. Như vậy”. Đến lúc ngoái lại, chúng ta nhận ra mình đã kiên trì bước đi một chặng đường dài, “có chạm đáy thì mới phục hồi đi lên”, như sau cơn mưa trời lại sáng.

Bạn trẻ hãy chữa lành bằng sức mạnh tinh thần

Sách do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành tháng 6-2024.

Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay hay “chông chênh, dễ chán và phải chữa lành”, tác giả NGỌC DUẨN nhìn nhận:

“Tôi nghĩ rằng những người trẻ hôm nay đang bị bủa vây bởi lượng thông tin khổng lồ từ mọi kênh truyền thông và cuộc sống hàng ngày, khiến cho nỗi niềm hoang mang, sự loay hoay ở mỗi ngã rẽ cuộc đời càng ảnh hưởng mạnh. Các bạn trẻ dễ bị cuốn vào những kế hoạch mười điểm và vô vàn lối sống được xem là chuẩn mực.

Một trong những nguyên nhân gây ra “nỗi đau thời đại” này là những cuộc cạnh tranh khốc liệt theo mọi chuẩn mực thành công, xuất phát từ tâm trạng cấp bách, nóng lòng muốn đạt được “điều gì đó” nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải lúc nào những gì ta muốn cũng trở thành hiện thực.

Vì vậy, họ cần một “khoảng nghỉ” để lọc thông tin, hiểu được sự khác biệt giữa những điều quan trọng và không quan trọng và trên hết là khả năng tổng hợp nhiều mảnh ghép đó thành một bức tranh lớn chính là con đường mà các bạn quyết định chọn lựa. Hành trình trưởng thành đòi hỏi các bạn trẻ phải tự hiểu mình, tự nhận ra ưu - khuyết, tìm thấy sở trường - sở đoản, biết chấp nhận rằng những điều xảy đến là một phần của cuộc sống, dần dần hoàn thiện bản thân theo thời gian, tự tìm lý do để chấp nhận và bước tiếp.

Thường thì người trẻ tìm mọi cách xoay xở “chữa lành” theo linh cảm và trực giác của mình. Nhưng trước khi họ tự hiểu mình thì đều muốn một ai đó thực sự thấu hiểu mình. Chỉ khi các bạn tự tìm thấy được cho mình sức mạnh tinh thần - sự mãn nguyện khi đã dốc hết khả năng và chấp nhận kết quả xảy đến đôi khi chưa như ý, thì cuộc sống mới trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/7-lan-nga-xuong-8-lan-dung-len-chua-lanh-de-truong-thanh-85c3cbf/