7 lý do khiến khớp gối bị thoái hóa
Thoái hóa khớp gối là bệnh thường gặp nhiều người lớn tuổi. Theo thống kê, thoái hóa khớp gối tăng dần theo tuổi tác, mức độ béo phì. Ngoài ra, bệnh còn có thể liên quan đến cả vấn đề sinh hoạt, làm việc và giới tính...
Nguyên nhân thoái hóa khớp gối
Có rất nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối, trong đó có thể liên quan đến cả vấn đề sinh hoạt, làm việc và giới tính... Cụ thể các nguyên nhân hay gặp sau:
Nguyên nhân tuổi tác
Tuổi tác càng lớn thì tình trạng thoái hóa khớp gối có thể xảy ra càng cao. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thoái hóa khớp gối, theo thống kê thoái hóa khớp gối thường gặp ở những người trên 55 tuổi.
Lý giải về nguyên nhân, các nghiên cứu cho thấy khi tuổi càng cao thì quá trình tổng hợp của sụn lại càng có xu hướng suy giảm. Vì thế các tế bào dần bị bào mòn và không được tái tạo lại khiến sụn bị thoái hóa nhanh chóng.
Theo thống kê chỉ có 10% tình trạng thoái hóa khớp gối xảy ra ở người dưới 26 tuổi. Độ tuổi 27- 45 là 25,5% và độ tuổi 46 – 60 thì tỉ lệ này lên tới 50%.
Thực tế cho thấy sau độ tuổi trưởng thành thì tình trạng thoái hóa khớp gối có thể xảy ra càng cao. Tuy nhiên nếu người bệnh có lối sinh hoạt và làm việc khoa học, phù hợp thì vẫn hoàn toàn có thể đẩy lùi được nguy cơ thoái hóa sớm.
Những người càng lớn tuổi thì quá trình thoái hóa càng diễn ra rõ hơn, biểu hiện là khớp chân đau nhức, đặc biệt khi có sự thay đổi thời tiết đột ngột hay trời lạnh.
Nguyên nhân giới tính
Thoái hóa khớp gối gặp ở nữ nhiều hơn, thống kê cho thấy tỷ lệ nữ giới bị thoái hóa khớp gối lên đến 80%. Đặc biệt những phụ nữ qua tuổi 55 thường có xu hướng mắc bệnh cao hơn hẳn. Lý giải các vấn đề này, chuyên gia cho rằng do tính chất công việc nên nhiều phụ nữ thường có thói quen đi giày cao gót. Điều này sẽ gây áp lực trực tiếp lên sụn khiến nguy cơ thoái hóa tiến triển nhanh hơn.
Một lý do khác khiến phụ nữ thường có tỷ lệ thoái hóa khớp cao hơn chính là quá trình mang thai. Khi mang thai sức nặng của thai nhi thường gây áp lực lớn lên sụn. Vì thế nếu giai đoạn này người mẹ không được bổ sung đầy đủ canxi có thể dẫn đến thiếu hụt và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối.
Nguyên nhân cân nặng
Khớp gối chịu ảnh hưởng rất nhiều từ trọng lượng cơ thể, vì vậy đây cũng là một nguyên nhân rất quan trọng có liên quan đến việc thoái hóa khớp sớm.
Trọng lượng cơ thể dư thừa không chỉ gây ra nhiều bệnh mà còn tăng cường áp lực lên hai khớp gối, khiến cho sụn khớp nhanh bị bào mòn và biến dạng hơn. Đặc biệt ở phụ nữ thừa cân béo phì trên tuổi 40 có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người có cân nặng ổn định.
Nguyên nhân chấn thương
Người gặp những chấn thương trong quá trình vận động hay bị tai nạn giao thông có liên quan đến xương bánh chè, dây chằng, đầu dưới khớp đùi... đều có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối sớm. Nếu không điều trị dứt điểm ngay từ đầu tình trạng thoái hóa có thể diễn ra vô cùng nhanh chóng và gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Nguyên nhân nghề nghiệp
Những người thường xuyên làm việc nặng quá sức, vận động mạnh khiến sụn gối nhanh chóng bị bào mòn, thoái hóa hơn. Tình trạng này thường xảy ra ở những người làm các công việc chân tay, vận động mang vác nhiều.
Ngoài ra phụ nữ làm những công việc phải đi giao tiếp nhiều, đi bằng giày cao gót cũng làm đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối hơn hẳn những người thường đi giày thấp.
Ít vận động, không tập thể dục
Vận động làm việc quá mức có thể dẫn đến quá trình thoái hóa nhanh hơn nhưng việc lười vận động cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
Nguyên nhân là do khi thiếu vận động sẽ làm cho các cơ trở nên lỏng lẻo, thiếu độ linh hoạt dẫn đến các cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng rất dễ bị sai lệch.
Một số nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác cũng có thể liên quan đến tình trạng thoái hóa khớp gối, bao gồm lạm dụng thuốc điều trị, nhất là các nhóm thuốc kháng viêm hay ức chế hệ miễn dịch. Việc lạm dụng quá mức nhóm thuốc này có thể dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp gối nhanh hơn.
Chế độ dinh dưỡng không khoa học cũng dẫn đến thoái hóa khớp gối. Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng xương khớp. Vì vậy nếu thường xuyên ăn chế độ thiếu canxi có thể làm xương sụn trở nên yếu và dễ bị thoái hóa hơn.
Ngoài ra, việc ăn uống thiếu chất và uống nhiều rượu bia cũng làm giảm tiết chất nhờn cho sụn và khiến cơ quan này bị phá hủy nghiêm trọng hơn.
Một số bệnh lý như gout, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp hay các hội chứng rối loạn chuyển hóa... cũng có xu hướng làm người bệnh dễ bị thoái hóa sụn khớp hơn.
Phòng tránh thoái hóa khớp gối
Việc phòng tránh thoái hóa khớp gối không khó, chỉ cần người bệnh chú ý thì có thể ngăn chặn nguy cơ thoái hóa khớp gối tối đa. Một số phương pháp có thể áp dụng như:
Duy trì cân nặng ổn định, tránh béo phì;
Cần kiểm soát lượng đường trong máu;
Hạn chế mang vác nặng với cường độ liên tục.
Có chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ canxi, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Hạn chế các chất béo, rượu bia và các chất kích thích khác.
Tập luyện thể dục thường xuyên và phù hợp với sức khỏe của từng người như: bơi lội, đạp xe đạp, tập dưỡng sinh...
Thường xuyên khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh...
Tóm lại: Thoái hóa khớp gối là căn bệnh thường gặp mà người bệnh cần phải phòng tránh sớm để tránh các biến chứng có thể làm suy giảm sức khỏe. Mỗi người hãy bắt đầu việc phòng tránh bệnh bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp để tăng cường sức khỏe tốt hơn mỗi ngày.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-ly-do-khien-khop-goi-bi-thoai-hoa-169231114130818038.htm