7 năm tới, Việt Nam có thể xuất khẩu điện?
Nếu giải quyết được những nút thắt, Việt Nam có thể xuất khẩu điện từ 5.000 – 10.000 MW vào năm 2030, thay vì thấp thỏm thiếu điện thường trực tái hiện mỗi năm như hiện nay.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện của Việt Nam đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW. Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bạc Liêu đề xuất bán điện sạch sang Singapore
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay trên địa bàn 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liệu, Sóc Trăng còn tiềm năng và dư địa rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi và điện mặt trời khu vực ven biển).
3 tỉnh này có thể phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời xuất khẩu với tổng quy mô công suất từ 26.000 - 36.000 MW. Trong đó, Bạc Liêu dự kiến 10.000MW điện gió ngoài khơi và 6.000 MW điện mặt trời.
Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, ngoài phần phát triển phục vụ nhu cầu điện trong nước, còn có thể xuất khẩu điện "sạch" sang các nước lân cận, trong đó Singapore là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu điện "sạch" lớn nhất.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Đoàn Giám sát đặc biệt quan tâm ủng hộ, cùng với Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT tạo điều kiện thúc đẩy, hiện thực hóa các dự án xuất khẩu điện, góp phần mang lại lợi ích cho quốc gia.
Vấn đề xuất khẩu điện cũng được Bộ KH&ĐT đề cập khi góp ý về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần xác định “các dự án xuất khẩu điện, xuất khẩu năng lượng mới sản xuất từ năng lượng tái tạo” với mục tiêu “phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu".
“Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW”, theo nội dung quy hoạch điện VIII…”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Về lưới truyền tải, Bộ KH&ĐT cho hay, nội dung Quy hoạch điện VIII yêu cầu nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải. Vì vậy, đối với việc xác định các dự án/công trình lưới điện truyền tải do Nhà nước đầu tư hoặc xem xét xã hội hóa cần bổ sung cơ chế giao doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án do nhà nước đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư từ các dự án xem xét xã hội hóa.
“Đây là vấn đề vướng mắc, đặt ra nhiều rào cản trong việc đảm bảo tiến độ lưới truyền tải. Ngoài ra, cần rà soát mức độ khả thi của các dự án/công trình lưới điện có tiến độ đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025”, Bộ KH&ĐT đặt ra yêu cầu về lưới truyền tải.
Thực tế, việc giải bài toán truyền tải là rất quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện từ các dự án năng lượng tái tạo, bởi thời gian vừa qua khu vực miền Bắc thiếu điện, mất điện là do thiếu đường truyền tải điện từ phía Nam ra Bắc.
"Phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5-6 vừa qua rơi vào khoảng 1,4 tỷ USD (tương đương 0,3% GDP)", dựa trên ước tính về nhu cầu chưa được đáp ứng là 36GWh năm 2022 và khoảng 900GWh ước tính cho tháng 5-6/2023”, ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra.
Việt Nam có thể dư điện xuất khẩu nếu...
WB cũng dẫn lại khảo sát ẩn danh do Phòng Thương mại Châu Âu và các thành viên thực hiện vào tháng 6/2023 rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp ở miền Bắc cho biết tổn thất về doanh thu lên đến 10%. Căn cứ vào ước thiếu hụt cung đến tháng 6, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở mức ước khoảng 75 triệu USD.
Theo WB, bất cân đối về cung hiện đang là vấn đề của miền Bắc, nơi nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng (10% so với 8,5% trên toàn quốc) và có tính chất mùa vụ, nhất là trong các tháng 5-7. Nguyên nhân do sản xuất điện, đang lệ thuộc vào nguồn thủy điện và điện than, chậm trễ trong đầu tư cho sản xuất và truyền tải điện, trong đó hạn chế về truyền tải gây hạn chế trong việc tiếp cận công suất dư lớn ở miền Nam (khoảng 20 GW).
Nhìn nhận thực tế này, TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng chỉ ra, tình trạng thiếu điện là do tầm nhìn thiếu hệ thống, thủ tục rườm rà bởi Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu được điện vì chúng ta có cơ hội lớn mà thiên nhiên ban tặng để phát triển năng lượng tái tạo, cơ hội trời cho về nắng, gió.
Quay trở lại câu chuyện làm thế nào để xuất khẩu điện? Có lẽ gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo phải là bài toán đầu tiên được đặt ra. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD để phát triển điện gió ở ngoài khơi ở Việt Nam. Tuy vậy, họ mong muốn Chính phủ thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm và ban hành khung pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện để các nhà đầu tư phát triển dự án.
“Chúng tôi đến đây là để đồng hành với Việt Nam trên con đường phát triển điện gió ngoài khơi trong dài hạn”, ông Henrik Scheinemann, đồng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP) chia sẻ tại một hội nghị điện gió diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.
Ông Henrik Scheinemann nhấn mạnh: Điều quan trọng là Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động ngành năng lượng tái tạo, một ngành công nghiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao...