7 ngày rung chuyển Afghanistan: Hết thành phố này đến thành phố khác rơi vào tay Taliban
Cách đây hơn một tuần, một chỉ huy của Taliban đã tuyên bố đặt dấu chấm hết cho các lực lượng Afghanistan sau khi chiếm thủ phủ tỉnh Zaranj, một trung tâm thương mại gần với biên giới Iran. Sau đó, lần lượt hàng chục thành phố khác rơi vào tay phiến quân trước sự bất lực của quân chính phủ.
Các chiến binh Taliban lái một chiếc xe của quân đội quốc gia Afghanistan qua một con phố ở Kandahar hôm thứ Sáu. Ảnh: AFP / Getty Images
Một tuần ác mộng
“Đây là sự khởi đầu”, chỉ huy Taliban này nói trong một tuyên bố. "Hãy xem các tỉnh khác sẽ sớm rơi vào tay chúng tôi như thế nào". Thành phố Nimroz, thủ phủ của tỉnh Zaranj bị chiếm vào ngày 6/8, đây là thành phố lớn đầu tiên bị Taliban tấn công trong nhiều năm.
Trong vòng bảy ngày kể từ cuộc tấn công chớp nhoáng của Taliban, dự đoán của chỉ huy Taliban dường như được chứng minh là đúng khi hết thành phố này đến thành phố khác rời khỏi sự kiểm soát của lực lượng chính phủ.
Số phận của Zaranj đặt ra khuôn mẫu cho những ngày sau đó. Sau nhiều tuần chiếm các quận ở vùng nông thôn và chia cắt Zaranj với các khu vực, việc chiếm được thành phố bất ngờ xảy ra khi quân nổi dậy vượt qua các tuyến phòng thủ của quân chính phủ trong một nỗ lực bền bỉ.
Chưa đầy 24h sau khi có được Zaranj, ngày 7/8, quân Taliban chiếm được thành phố Sheberghan, thủ phủ của Jawzjan. Thành phố Sheberghan là quê hương của thủ lĩnh khét tiếng Abdul Rashid Dostum, người phụ trách một trong những lực lượng dân quân lớn nhất ở miền bắc và lực lượng này đã gây được tiếng vang lớn trong cuộc chiến chống lại Taliban vào những năm 1990.
Tiếp đà chiến thắng, các thành phố Kunduz, Sar-e-Pol và Taloqan ở phía bắc lần lượt thất thủ trong vòng vài giờ đồng hồ vào hôm Chủ nhật (8/8). Không lâu sau khi chiếm được Kunduz, Taliban tiếp tục chiếm được thành phố Sar-e-Pol, thủ phủ của tỉnh Sar-e-Pol, và thành phố Taloqan, thủ phủ của tỉnh Takhar.
Trước sự kháng cự yếu ớt từ quân chính phủ, Taliban tiếp tục mở rộng danh sách thành trì chiếm đóng bằng những cái tên mới. Ngày 12/8, Taliban đã chiếm thêm được thành phố lớn Ghazni, chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 130 km. Đây là thủ phủ tỉnh thứ 10 mà phiến quân giành được chỉ trong một tuần.
Cũng trong ngày thứ Năm (12/8), trong trận đánh kinh hoàng nhất, các thành phố lớn thứ hai và thứ ba trong nước, Kandahar và Herat cũng đã rơi vào tay Taliban, do không quân Afghanistan và Mỹ với sự xuất hiện cả cả máy bay ném bom B-52 của Mỹ vẫn không thể làm chậm bước tiến của nhóm phiến quân.
Ngày thứ Sáu (13/8), các cuộc tấn công của Taliban giúp họ giành thêm hơn một chục tỉnh lỵ và cô lập thủ đô Kabul, qua đó mở rộng địa phận với hơn 65% diện tích của đất nước.
Hiện Taliban đã giành quyền kiểm soát 18 trong số 34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan kể từ ngày 6/8. Kabul đứng trước nguy cơ thất thủ khi nhóm phiến quân này đang bao vây thủ đô từ nhiều hướng.
Taliban đã chiếm 18/34 thành phố của Afghanistan. Hiện chính phủ chỉ còn kiểm soát khu vực màu trắng trên bản đồ - Ảnh: Al Jazeeza
Sự sụp đổ được báo trước
Nếu Zaranj là thủ phủ đầu tiên thất thủ, thì việc Kunduz rơi vào tay Taliban vào Chủ nhật (8/8) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn nhất khiến Tổng thống Mỹ, Joe Biden phải có một cuộc họp báo.
“Hãy nhìn xem, chúng tôi đã chi hơn một nghìn tỷ đô la trong hơn 20 năm. Chúng tôi đã huấn luyện và trang bị các thiết bị hiện đại cho hơn 300.000 lực lượng Afghanistan. Các nhà lãnh đạo Afghanistan phải chiến đấu cho chính mình”, ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng vào ngày thứ Ba (9/8).
Trong báo cáo hôm đầu tuần, một quan chức Mỹ cho biết quân Taliban có thể và cô lập Kabul trong 30 ngày và có thể chiếm được thủ đô của Afghanistan trong 90 ngày. Quan chức này cũng nói thêm rằng lực lượng an ninh Afghanistan có thể đảo ngược đà tấn công bằng cách tăng cường kháng cự.
Tuy nhiên, dự báo này có thể diễn ra với sớm hơn khi tốc độ chiến thắng của nhóm phiến quân Hồi giáo đang rất nhanh chóng.
Tốc độ giành chiến thắng của Taliban có được bằng nhiều yếu tố, từ chiến trường đến truyền thông, trong đó cuộc chiến thông tin với những câu chuyện kinh dị, bao gồm các chi tiết về việc trả thù các cựu nhân viên chính phủ, các vụ hành quyết tóm tắt, chặt đầu và bắt cóc các cô gái để kết hôn cưỡng bức, đã tạo ra những hình ảnh ghê sợ về Taliban dần dần bóp nghẹt ý chí của quân đội chính phủ cũng như các lực lượng dân quân chống nhóm phiến quân này.
Cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan dưới thời Barack Obama, Ryan Crocker cho rằng kế hoạch rút quân của Biden giống như "trao đất nước Afghanistan cho các chiến binh Taliban".
Trước mắt, quân tiếp viện phương Tây được gửi đến để giải cứu người nước ngoài, chứ không phải những người Afghanistan vốn đang lo sợ trước sự trở lại của Taliban. Trong số đó có Zahra Omari, người đã trốn đến Kabul từ tỉnh Kunduz cùng với sáu đứa con của mình.
“Khi mọi người bắt đầu chạy trốn, tôi đã mang theo các con của mình và bỏ trốn. Tôi thậm chí còn không lấy sữa cho con gái 10 tháng tuổi của mình", cô nói. “Chúng tôi phát hiện một chiếc xe buýt đi Kabul đã bỏ bớt ghế để nhồi nhét càng nhiều người vào bên trong càng tốt. Nó chờ đầy những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em sợ hãi”.
Sau khi tạo ra lợi thế ngày càng tăng trong tuần qua, Taliban tiếp tục chia cắt đất nước thành nhiều khu vực, cắt đứt các con đường chính giữa các thành phố, kiểm soát các căn cứ không quân và thu giữ nhiều phương tiện và vũ khí quân sự. Việc giải thoát hàng nghìn tù nhân, hầu hết từng là các chiến binh hoặc chỉ huy Taliban, nhóm phiến quân này càng trở nên mạnh mẽ và nguy hiểm.
Những chiến thắng gần đây đang khép chặt vòng vây đối với Kabul. Thủ đô của Afghanistan đang chịu sức ép ghê gớm khi số lượng dân sơ tán đổ về cửa ngõ thành phố ngày càng đông. Các cơ quan cứu trợ cảnh báo về một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra.
Lúc này, các đồng minh quốc tế của chính phủ Afghanistan đang gấp rút sơ tán các đại sứ quán của họ. Dự kiến, Mỹ và quân đồng minh sẽ rút hết khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 và điều này đặt Afghanistan vào một cuộc nội chiến nghiêm trọng trước bước tiến mạnh mẽ của Taliban.