7 nguyên tắc cha mẹ nên áp dụng để dạy con thành tài
Cách giáo dục của cha mẹ quyết định đến cuộc sống của trẻ sau này, bởi vậy những nguyên tắc dưới đây không thể thiếu.
Một đứa trẻ lớn lên có thành công, có trở thành người tốt hay không, không chỉ liên quan đến sự cố gắng của bản thân đứa trẻ, mà còn liên quan mật thiết đến hành động và lời nói của cha mẹ với trẻ hằng ngày. Xét đến cùng, con cái là hình ảnh thu nhỏ của cha mẹ, gia đình là môi trường đầu tiên con tiếp xúc, đồng thời cha mẹ cũng là tấm gương phản chiếu cho lời nói và việc làm của con.
Hãy cùng tham khảo những bí quyết dưới đây để áp dụng vào việc dạy con của mình nhé.
1. Không chạy theo số đông
Điều cha mẹ nên làm, đó chính là trau dồi khả năng tư duy độc lập của con và đừng bắt con chạy theo số đông, dù là trong bất cứ việc nào, như chuyện học hành, cuộc sống, công việc,... Ví dụ, cha mẹ đừng ép con phải chọn ngành học này vì cảm thấy có nhiều người chọn, thay vì vậy hãy động viên con học những gì mà con thích.
Cha mẹ hãy khuyên con rằng: "Con phải có nhận định và suy nghĩ của riêng mình, con không thể quan sát người khác đang làm gì và làm theo họ một cách mù quáng, hãy tự hỏi bản thân mình có phù hợp và có thích hay không".
Tư duy độc lập giúp con có khả năng tự học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu, từ đó biết mình thích gì và có thể phát huy thế mạnh của mình. Không có tư duy độc lập, con trẻ dễ bị cuốn vào các tiêu cực xã hội, chạy theo số đông, không tìm ra được khả năng tiềm ẩn bên trong bản thân, thụ động và dễ chán nản.
2. Không lo lắng về những gì trẻ có thể làm
Nhà giáo dục nổi tiếng người Ukraine Suhomlinsky từng nói: "Trong quá trình trưởng thành của trẻ, những việc muốn làm cứ để chúng thử làm. Hãy tạo một môi trường tự do để trẻ phát triển tốt hơn".
Nếu cha mẹ muốn trau dồi khả năng sáng tạo, tự chăm sóc bản thân của trẻ, trước tiên phải học cách để con cái làm điều gì đó trong khả năng, ngay cả khi chúng thực sự gây rắc rối cho bố mẹ. Nhưng giáo dục là một quá trình như vậy, hãy để trẻ tự làm, tự đúc rút kinh nghiệm, bài học và tự trưởng thành.
3. Không quá bao bọc con
"Người Do Thái có câu nói nổi tiếng là "bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con". Ý nói hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con, đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và chỉ đầu độc con mà thôi.
Những bà mẹ Do Thái dành cho con "tình yêu đống lửa" - tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ cho con cảm giác an toàn, bao bọc. Yêu thương con với người Do Thái là phải nhìn xa trông rộng, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời.
4. Không để con tự mãn
Trong hành trình nuôi dạy con cái, cha mẹ không nên cưng chiều, bảo bọc quá mức, điều này sẽ khiến trẻ ngày càng trở nên ỷ lại, dễ sinh thói tự mãn. Con muốn đạt được những điều lớn lao thì phải biết cúi đầu khiêm tốn, học tập không ngừng nghỉ.
Khi trẻ đạt được thành tích xuất sắc, ngoài việc động viên, khen ngợi có chừng mực, cha mẹ hãy cho con biết rằng: ngay cả khi bản thân con có giỏi giang đến cách mấy, con vẫn nên làm mọi việc với tâm thế của một người đang học hỏi từ những người giỏi hơn xung quanh mình.
"Núi cao còn có núi cao hơn", nếu chỉ mới đạt được một ít thành tựu nhỏ mà con đã tự cao, tự đắc, khoe khoang, thì con không chỉ bị người khác coi thường, mà con sẽ mãi dừng chân tại chỗ và mắc kẹt trong "vòng tròn tự mãn" đó.
5. Không lo lắng về lựa chọn của trẻ
Trong tiểu thuyết kinh điển dành cho thiếu nhi "Giết con chim nhại" của nhà văn Mỹ Harper Lee có viết: "Khi về già, nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy rằng đi du học, quyết định lập nghiệp, chọn người yêu và kết hôn, tất cả đều là những thay đổi quan trọng của cuộc đời. Người lớn chọn hướng đi cho mình và trẻ em cũng cần được quyền lựa chọn".
Bố mẹ nên cho con cái quyền tự do lựa chọn, ví dụ khi còn nhỏ để trẻ tự chọn mặc cái gì, làm cái gì. Như thế khi lớn lên, đứng trước lựa chọn có thể thay đổi vận mệnh, chúng mới biết bản thân nên làm thế nào để đưa ra lựa chọn thích hợp.
6. Không để con sống buông thả
Nếu một đứa trẻ muốn thành công, thì hai yếu tố tài năng và chăm chỉ thôi là chưa đủ. Tài năng không đi đôi với chịu khó, tự nghiêm khắc kỷ luật bản thân thì tài năng sẽ không phát huy hết được.
Cha mẹ không nên nghĩ rằng, con thông minh, tài giỏi thì con có thể buông thả, thoải mái làm bất cứ điều gì mà chúng muốn, như mải mê chơi game, thức khuya, chơi điện thoại, vì lâu dần, chúng sẽ bị cuốn vào những thú vui tiêu khiển này và trở nên lười biếng, nhác học. Cha mẹ cần có sự nghiêm khắc kỷ luật để con đi vào "khuôn phép".
Việc giúp trẻ định hình ba quan điểm đúng đắn trên là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn 3-6 tuổi là giai đoạn "vàng" đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Ngoài tính cách và những thói quen tốt, cha mẹ cần trau dồi cho con em mình những kỹ năng cần thiết để thành công, chẳng hạn như trí tưởng tượng, khả năng tư duy và khả năng sáng tạo.
7. Không quan tâm tới bí mật của con cái
Bí mật là sự trưởng thành của ý thức cá nhân. Đối với trẻ, bí mật giống như sự hình thành cái tôi. Nếu phát hiện trẻ có bí mật, bố mẹ nên cảm thấy vui thay vì hoảng sợ. Có bí mật, nghĩa là trẻ đã có thế giới nội tâm và muốn có không gian độc lập. Vì thế, hãy trân trọng sự trưởng thành non nớt này.
Bố mẹ hiểu biết thực sự là cần giao tiếp tốt, hiểu trái tim của trẻ, chứ không phải tọc mạch vào sự riêng tư của trẻ. Với mỗi người, bí mật luôn có quan hệ chặt chẽ với trách nhiệm và cần gánh vác một cách độc lập. Như vậy, có bí mật cũng là cách cần thiết để trẻ học cách tự lập và trưởng thành. Do vậy, cha mẹ hãy luôn cho phép trẻ được có bí mật của riêng mình.