7 nhà văn lừng danh chỉ với một tiểu thuyết duy nhất

Với chỉ một tác phẩm, các tác giả này đã đưa tên tuổi của mình lên đỉnh cao trong giới văn học. Nhưng vì nhiều lý do, họ đã không bao giờ cho ra một cuốn sách nào khác.

Harper Lee, Emily Brontë hay Margaret Mitchell đã chứng minh chỉ với một cuốn sách vẫn có thể để lại di sản tồn tại qua nhiều thế hệ cho nền văn học thế giới. Mỗi tác phẩm đã chạm đến trái tim và tâm trí của độc giả, củng cố vị trí của các tác giả trong lịch sử văn học.

Harper Lee - Giết con chim nhại (1960)

Harper Lee là một trong những tác giả kỳ lạ của thế giới văn chương khi nổi tiếng với chỉ một cuốn tiểu thuyết duy nhất cho xuất bản - Giết con chim nhại (To Kill A Mockingbird)). Cuốn tiểu thuyết được xem là thiên tự truyện của chính Harper Lee, với bối cảnh đặt tại thị trấn nhỏ ở Alabama. Nhân vật chính là cô bé Jean Louise "Scout" Finch được xem là hiện thân của chính nhà văn, còn nhân vật luật sư Atticus Finch đại diện cho bố của bà.

Tác phẩm này đã mang về cho Harper Lee giải thưởng Pulitzer danh giá vào năm 1961 hạng mục tiểu thuyết. Danh tiếng quá lớn sau khi cho ra mắt cuốn tiểu thuyết này đã khiến bà hoảng sợ, không còn có ý định xuất bản thêm cuốn sách nào nữa.

Phải đến tận 55 năm sau (2015), bà mới đồng ý cho xuất bản Go Set A Watchman, phần tiếp theo của cuốn Giết con chim nhại lấy bối cảnh ở thời điểm 20 năm sau. Sách xuất bản một năm trước khi bà qua đời.

Giết con chim nhạn (To Kill A Mockingbird) được xem là tiểu thuyết được xuất bản duy nhất làm nên tên tuổi của Harper Lee. Ảnh: Speakup.

Giết con chim nhạn (To Kill A Mockingbird) được xem là tiểu thuyết được xuất bản duy nhất làm nên tên tuổi của Harper Lee. Ảnh: Speakup.

Emily Brontë - Đồi gió hú (1847)

Đồi gió hú (Wuthering Heights) của Emily Brontë là câu chuyện đen tối và đáng nghiền ngẫm về tình yêu và thù hận. Xuất bản dưới bút danh Ellis Bell, cuốn tiểu thuyết ban đầu được đánh giá là thất vọng, hoang dã, buồn rầu… thậm chí là vô đạo đức. Tuy nhiên, sau đó, nó đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Anh.

Cái chết không đúng lúc của Brontë ở tuổi 30 đồng nghĩa với việc Đồi gió hú là tác phẩm duy nhất được xuất bản của bà, nhưng nó vẫn tiếp tục được nghiên cứu và mang ảnh hưởng lớn.

Anna Sewell - Ngựa ô yêu dấu (1877)

Ngựa ô yêu dấu (Black Beauty) là cuốn tự truyện về hồi ức của một chú ngựa, từ lúc kéo xe ở London đến khi được nghỉ hưu ở đồng quê. Cuốn sách này được xem là lời cầu xin đau lòng cho việc đối xử nhân đạo với ngựa và đã thay đổi thái độ của công chúng đối với động vật.

Ngựa ô yêu dấu thành công ngay lập tức và vẫn là tác phẩm kinh điển được yêu thích, bán được hơn 50 triệu bản trên thế giới. Sewell, người có sức khỏe kém khi viết cuốn sách, đã qua đời 5 tháng sau khi sách xuất bản, có nghĩa câu chuyện sâu sắc này là đóng góp duy nhất của bà cho văn học.

Margaret Mitchell - Cuốn theo chiều gió (1936)

Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind) của Margaret Mitchell là câu chuyện sâu sắc về tình yêu và sự mất mát được đặt trong bối cảnh của Nội chiến và Tái thiết nước Mỹ. Nữ anh hùng mạnh mẽ của cuốn tiểu thuyết, Scarlett O'Hara, và sự lãng mạn đầy biến động của cô với Rhett Butler đã lôi cuốn độc giả, khiến nó trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại.

Mitchell chưa bao giờ xuất bản thêm cuốn sách nào khác. Cuốn theo chiều gió đã mang lại cho bà giải thưởng Pulitzer vào năm 1937 và vẫn là một điểm nhấn văn hóa quan trọng.

 Nhà văn Margaret Mitchell và tác phẩm để đời của mình - Cuốn theo chiều gió. Ảnh: Adebiportal.

Nhà văn Margaret Mitchell và tác phẩm để đời của mình - Cuốn theo chiều gió. Ảnh: Adebiportal.

J.D. Salinger - Bắt trẻ đồng xanh (1951)

Đây là tác phẩm tiêu biểu trong văn học Mỹ, ghi lại tiếng nói và sự giận dữ của cuộc nổi loạn tuổi teen. Nhân vật chính của tiểu thuyết, Holden Caulfield, một thiếu niên chán nản, chống lại những kỳ vọng của xã hội và đấu tranh với các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Mặc dù Salinger đã viết một số truyện ngắn và tiểu thuyết, Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) vẫn là cuốn tiểu thuyết đầy đủ được xuất bản duy nhất của ông. Salinger rút lui khỏi cuộc sống hào quang sau thành công của nó, lựa chọn cách sống ẩn dật. Có lẽ ông vẫn viết, nhưng ông ngừng xuất bản các tác phẩm của mình, đồng thời tránh xa báo chí hết mức có thể.

 Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) là tiểu thuyết duy nhất của J.D.Salinger. Ảnh: Thefirsteditionrarebooks.

Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) là tiểu thuyết duy nhất của J.D.Salinger. Ảnh: Thefirsteditionrarebooks.

Oscar Wilde - Chân dung Dorian Gray (1890)

Oscar Wilde sáng tác rất nhiều thơ, kịch và một ít truyện ngắn. Tuy nhiên, Chân dung Dorian Gray được coi là cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông được xuất bản. Đây là cuốn tiểu thuyết Gothic khám phá các chủ đề phù phiếm, đạo đức và bản chất của cái đẹp. Ngay lập tức, cuốn sách mang đến cho Wilde tiếng vang lớn cũng như vô số ý kiến trái chiều.

Oscar Wilde cho rằng mỗi người đều có thể nhìn thấy tội lỗi và tệ nạn của bản thân ở trong cuốn sách. Nhưng vì phải đón nhận quá nhiều chỉ trích, Wilde buộc lòng phải sửa lại tác phẩm, nhưng kể từ đó ông không bao giờ viết văn nữa, chỉ chuyên tâm sáng tác thơ trong suốt quãng đời còn lại. Chân dung Dorian Gray là một minh chứng cho năng lực văn học của ông.

Ngọc Hân

Nguồn Znews: https://znews.vn/7-nha-van-lung-danh-chi-voi-mot-tieu-thuyet-duy-nhat-post1543103.html