Chuyện Quang Linh Vlogs, Phạm Thoại trong 'cuộc thi ai ngã đau hơn'
Hào quang chớp nhoáng, hậu quả thì lâu dài. Quang Linh, Phạm Thoại đang 'dẫn đầu' một cuộc thi đặc biệt: ai ngã đau hơn dưới ánh đèn sự thật.
Từng có một thời, người ta gọi Quang Linh là “người mang nước sạch đến châu Phi”. Giờ thì nhiều người gọi anh là “người livestream nước rau… nhưng thiếu sạch”.
Thành thật mà nói, nếu tổ chức một cuộc thi “ngã ngựa trong mắt công chúng” thì năm nay Việt Nam đã có ứng viên cực mạnh. Một chàng trai nhân hậu, chăm trồng chuối ở Angola, giảng tiếng Việt ở Phi châu, rồi bỗng hóa… “CEO ngành kẹo” – và cái kết là bị khởi tố vì sản xuất hàng giả.

Quang Linh từ một "người hùng châu Phi" nay lại trở thành một KOC bị khán giả quay lưng. Ảnh minh họa
Xây giếng, dựng trường, livestream và cuối cùng livestream… xuống địa ngục pháp lý. Cũng là một vòng tuần hoàn, chỉ tiếc là tuần hoàn kiểu “hàng hoàn lại” Quang Linh không chỉ nổi tiếng – anh từng được vinh danh chính thống. Từng được Mặt trận Tổ quốc mời vào Ủy ban Trung ương. Từng là biểu tượng của thế hệ trẻ “ra thế giới bằng chất Việt”.
Rồi một ngày đẹp trời, anh chọn bước sang thế giới livestream bán hàng. Nơi mà một viên kẹo có thể trở thành “thần dược”, và một lời nói thật có thể làm… sụt doanh số. Có lẽ anh không biết rằng: ở đâu đó trong Bộ luật Hình sự, lòng tốt không phải tình tiết giảm nhẹ nếu anh trộn nó với dối trá. Nhất là khi anh livestream cùng vài triệu người chứng kiến anh rao bán những thứ có thể gây hại sức khỏe với nụ cười nhân ái và thông điệp nhân văn
Trớ trêu thay, câu chuyện của Quang Linh lại rất thời sự. Thời đại này, bất kỳ ai có một chiếc điện thoại, một cái gimbal, một cái giọng cảm xúc… đều có thể biến thành doanh nhân, triết gia, bác sĩ và thần tượng sống.
Tất nhiên, cho đến khi các anh chị đó quên báo thuế, quảng cáo quá tay, và lỡ bán linh hồn lấy mã giảm giá.
Từ TikTok đến tòa án, khoảng cách đôi khi chỉ là một lượt click “mua ngay”.Thật khó để không cay đắng khi thấy bao nhiêu bạn trẻ tin rằng “lập nghiệp” = mở page + nhập hàng + livestream + xây thương hiệu bằng nước mắt và ống kính góc rộng.
Nhưng khi bạn dùng trẻ con, người nghèo, và thông điệp từ thiện để bán một viên kẹo rởm thì đó không còn là “startup nhân văn”, mà là một vụ PR trá hình cho gian thương có lương tâm thuê ngoài.
Nếu còn sống, nhà báo Hunter S. Thompson có lẽ sẽ gọi hiện tượng này là: Tôn giáo mới của thế kỷ 21 – nơi đức tin được livestream, đạo đức được lọc màu, và lừa đảo được tối ưu bởi KOL.
Thật ra, sự thất vọng lớn nhất không phải là Quang Linh đã sai mà là hàng triệu người từng tin rằng anh sẽ mãi đúng. Một biểu tượng sa ngã làm tổn thương tập thể. Một cú khởi nghiệp sai đường có thể chôn vùi niềm tin vào cả một thế hệ “start-up tử tế”.
Và đau hơn nữa: sự việc xảy ra ở đúng nơi… từng được gọi là “nơi lan tỏa hình ảnh người Việt”.
Nếu bạn là một KOL, một TikToker, một người livestream bán hàng… xin nhớ: máy quay không chỉ ghi hình bạn, nó ghi nhớ nhân cách bạn dưới dạng pixel. Còn nếu bạn là người tiêu dùng, hãy nhớ, không có kẹo nào chữa bách bệnh, và không có thần tượng nào miễn nhiễm với sự cám dỗ khi doanh số lên sáu chữ số.
Còn nữa, chuyện Phạm Thoại bị khán giả yêu cầu loại khỏi chương trình truyền hình thực tế sau ồn ào kêu gọi từ thiện không đơn thuần là một “làn sóng mạng xã hội”. Đó là chỉ dấu rõ ràng của sự rạn vỡ niềm tin công chúng vào những người nổi tiếng lấy hình ảnh để làm vốn liếng truyền thông, nhưng thiếu tự trọng với chính lời nói của mình. Đáng chú ý, bản sao kê – kiểm toán liên quan hoạt động kêu gọi từ thiện của Phạm Thoại được công bố sau đó vẫn tồn tại nhiều điểm bất nhất, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ tính minh bạch.
Từ câu chuyện này, có thể thấy: lòng tin không phải là đạo cụ có thể dùng rồi vứt, càng không phải công cụ định lượng bằng lượt view hay biểu cảm khóc cười trên sóng mạng. Với người nổi tiếng, nhất là khi tham gia hoạt động từ thiện, việc giữ gìn hình ảnh, hành xử chuẩn mực và minh bạch tài chính không chỉ để giữ danh tiếng, mà còn là giới hạn giữa sự ủng hộ và phản ứng pháp lý.