7 nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng
Chiều 28/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến Tỉnh ủy mở rộng tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tại điểm cầu của tỉnh, có các đồng chí Tỉnh ủy viên; đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương III, Ban Nội chính Trung ương; đại diện các sở, ban ngành, đơn vị...Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan chức năng liên quan ở tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư về tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, đã tiếp nhận 393 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị; đã giải quyết 257/257 đơn theo thẩm quyền (đạt 100%); 136 đơn nặc danh, mạo danh, trùng nội dung hoặc nội dung không có gì mới so với đơn đã được kết luận nên không giải quyết. Bên cạnh, đã phát hiện, xử lý 72 vụ/132 người có hành vi tham nhũng. Đến nay, đã xử lý xong 67 vụ/120 người, trong đó: Hình sự 40 vụ/59 người với tổng mức án 219 năm 9 tháng tù giam và 1 năm tù treo; kỷ luật đối với công chức, viên chức 26 vụ/58 người; đã thu hồi 20.038,849 triệu đồng và 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 79%...
7 nhiệm vụ
Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng ở tỉnh cũng còn nhiều mặt chưa được như người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền; công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, tài chính, tài sản của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, còn xảy ra sai phạm, nổi lên có những vụ việc sai phạm xảy ra trong thời gian dài...
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với tinh thần quyết tâm cao, lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; lấy phát hiện là quan trọng, cấp bách. Với tinh thần đó, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương phải nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; Xử lý nghiêm minh, kịp thời về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng nhưng không kịp thời chủ động phát hiện, xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trước hết ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động và nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ...
Thứ tư, các cơ quan tố tụng 2 cấp tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi và các vụ “tham nhũng vặt” theo tinh thần Công văn số 1368-CV/TU; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, kịp thời thỉnh thị chỉ đạo nghiệp vụ của ngành dọc cấp trên đối với các vụ việc, vụ án phức tạp, khó khăn, vướng mắc, còn khác nhau về quan điểm xử lý...
Thứ năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc trao đổi tình hình, cung cấp thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng.
Thứ sáu, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; bố trí cán bộ hợp lý gắn với quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và uy tín để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy thường xuyên rà soát, củng cố, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ giúp việc về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở cấp huyện.
Và thứ bảy, Mặt trận và các đoàn thể, các cơ quan báo chí...tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, người lao động, nhân dân tham gia tích cực vào việc giám sát, phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng.