7 nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số ở Hậu Giang
Ngày 10-10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Hội Tin học tỉnh tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang mang một tinh thần chung là đổi mới, sáng tạo, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Đây cũng là năm thứ 2 Hậu Giang tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia.
Theo ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, chuyển đổi số trước tiên là nhận thức, là một hành trình dài, toàn dân và toàn diện. Chuyển số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân.
Vì vậy, ngày chuyển đổi số quốc gia là dịp để nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết ngày chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, sự tham gia của toàn dân, đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.
Đối với tỉnh Hậu Giang, các chủ trương chuyển đổi số của tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025" và xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số; phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ đó, hoạt động chuyển đổi số của tỉnh Hậu Giang bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập được 600 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu vực trên địa bàn.
Hiện nay, hầu hết cán bộ, công chức và người dân Hậu Giang đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: Sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội, mua bán hàng qua mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt,…
Hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh hiện có: Trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC, Hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng SOC; dữ liệu dân cư tỉnh Hậu Giang.
Các nền tảng số cơ bản đã hoạt động hiệu quả như: Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy,…
Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử; đã có trên 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ quản trị, sản xuất và kinh doanh…
Bà Hồ Thu Ánh đề nghị thời gian tới, các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm 7 nhiệm vụ như:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, nhất là tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.
2. Rà soát, cập nhật tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, của tỉnh trong năm 2023 để triển khai thực hiện có hiệu quả và đảm bảo tiến độ.
3. Tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến từ xa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách giảm phí, lệ phí đối với hồ sơ nộp trực tuyến theo Nghị quyết số 04 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh Hậu Giang.
4. Khẩn trương thực hiện các giải pháp, cách làm hiệu quả để đạt tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến tối thiểu 30%.
5. Tiếp tục tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để tạo thuận tiện, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp. Số hóa và và tái sử dụng thành phần hồ sơ thủ tục hành chính để người dân không cần phải nộp lại các giấy tờ cá nhân nhiều lần.
6. Các địa phương chỉ đạo các Tổ Công nghệ số cộng đồng tiếp tục thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hơn, quan tâm người cao tuổi, yếu thế, neo đơn…, trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn, hỗ trợ báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết.
7. Đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực đã được thông qua. Đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.