Bắc Ninh: Gặp mặt doanh nhân, thúc đẩy phát triển chợ hiện đại, văn minh
Sáng 16/11, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình Gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11/2024 với thông điệp 'Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển' do ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì, Chủ tịch UBND Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn dự và chỉ đạo, nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống chợ hiện đại, văn minh.
Giải bài toán chợ dân sinh
Chợ, từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của người Việt; là nơi giao thương buôn bán, nơi kết nối cộng đồng, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Tại Bắc Ninh, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò then chốt then chốt trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; là nguồn thu ngân sách quan trọng, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng chính sách phát triển và quản lý chợ hiệu quả càng trở nên cấp thiết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 106 chợ (bao gồm 1 chợ hạng 1, 12 chợ hạng 2, 93 chợ hạng 3), phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Hệ thống chợ này vẫn còn thiếu những chợ đầu mối quy mô lớn, đảm nhiệm chức năng bán buôn, thu gom và phân phối hàng hóa. Trong số 106 chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, có 91 chợ do Nhà nước đầu tư và quản lý, 15 chợ còn lại do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, quản lý và khai thác.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư phát triển chợ, mang lại những kết quả tích cực. Nhiều chợ đã được xây mới, nâng cấp hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng thu ngân sách. Điển hình như chợ Châu Cầu, chợ thị trấn Phố Mới (Quế Võ), chợ Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh), chợ Trung tâm thị trấn Gia Bình, chợ Trung tâm thị trấn Thứa, chợ Ngã Tư Dâu (Thuận Thành)...
Tuy nhiên, do hạn chế về tự chủ tài chính, các chợ này, đặc biệt là chợ do UBND cấp xã quản lý, thường thiếu chủ động, sáng tạo, chưa phát huy hết năng lực của cán bộ quản lý. Bên cạnh những chợ khang trang, hiện đại, vẫn còn nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cháy nổ. Bên cạnh đó, một số chợ sau khi đầu tư xây dựng lại không thu hút được tiểu thương, hoạt động kém hiệu quả; tình trạng họp chợ tự phát vẫn diễn ra, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Vậy đâu là giải pháp để giải bài toán chợ dân sinh?
Phát biểu mở đầu chương trình, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Chương trình Gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11/2024 là một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển chợ. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, HTX sẽ đồng hành cùng tỉnh, góp phần xây dựng hệ thống chợ văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đánh giá về công tác phát triển chợ trên địa bàn tỉnh, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng thương mại nói riêng đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong, đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phát triển chợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với tinh thần “4 cùng” Thủ tướng Chính phủ đã đề ra - "Cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng" và "cùng phát triển", tỉnh Bắc Ninh cam kết “luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, tiếp thu sáng tạo, tháo gỡ khó khăn trong quản lý, vận hành và khai thác chợ, từ đó, thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các chợ được khang trang, sạch đẹp, an toàn, đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng thương mại; thúc đẩy phát triển hệ thống chợ hiện đại, văn minh.
Chính quyền, doanh nghiệp, người dân cùng “gỡ”
Tại phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi, kiến nghị đến từ đại diện các doanh nghiệp (như Công ty Cổ phần Thương mại 69 Tuấn Hải), hợp tác xã (như HTX đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác Chợ Hải An – Châu Cầu), Ban quản lý chợ huyện Lương Tài, Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh, UBND thành phố Bắc Ninh và các đơn vị khác gửi tới chính quyền tỉnh Bắc Ninh… Theo đó, các ý kiến đa phần tập trung vào những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư, vận hành và quản lý chợ.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh, đồng thời là đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Ninh nêu lên những khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm làng nghề, thu hút đầu tư và khai thác không gian phát triển. Mong muốn được các Sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ, giới thiệu địa điểm để đầu tư, khai thác sản phẩm.
Đối với phần hỏi và kiến nghị đến từ đại diện doanh nghiệp và Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng thông tin: Trong các đồ án quy hoạch đã bố trí nhiều khu vực để phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị. Đơn vị có nhu cầu đầu tư, có thể liên hệ UBND cấp huyện, thị, thành phố để được cung cấp thông tin quy hoạch và được xem xét nhu cầu. Trên cơ sở đề nghị của đơn vị, UBND các cấp gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND xem xét.
Nhiều kiến nghị của các đại biểu gửi đến cũng được đại diện lãnh đạo các Sở: Tài chính, Đầu tư, Công Thương giải đáp, phản hồi trực tiếp, đề cập đúng, trúng vào từng nội dung của câu hỏi.
Trong khuôn khổ chương trình, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã thông tin, phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Nghị định mới này có nhiều điểm mới so với quy định trước đây, đặc biệt là quy định rõ ràng hơn về việc quản lý, sử dụng tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát triển và quản lý chợ, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phê duyệt các quy hoạch mới; ban hành các văn bản, chính sách của tỉnh…
Những văn bản này đã mở rộng khái niệm chợ dân sinh, quy định rõ ràng về vốn đầu tư, quản lý tài sản, chuyển đổi mô hình quản lý và lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án chợ; giúp tỉnh có cơ sở pháp lý để giải quyết các khó khăn về thủ tục đấu thầu, chuyển đổi mô hình quản lý, đồng thời chủ động bố trí ngân sách đầu tư cho chợ; từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu kết luận chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đánh giá, 12 vấn đề được nêu ra tại hội nghị và yêu cầu, trọng tâm hiện nay cần tập trung chuyển đổi chợ lớn. Đối với thành phố Bắc Ninh, UBND thành phố phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch rà soát tổng thể các chợ trên địa bàn để thu hút đầu tư. Đề nghị Sở Công Thương khẩn trương tập hợp các vấn đề đã trao đổi, hoàn thành trước 16h ngày 18/11/2024; tới ngày 25/11/2024 có câu trả lời cụ thể cho từng vấn đề và công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Trong quá trình triển khai, Sở Công Thương có trách nhiệm tiếp thu ý kiến, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã để xử lý công việc, thể hiện tinh thần quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với việc phát triển chợ.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Đời sống của bà con tiểu thương sẽ được cải thiện bằng những sản phẩm cụ thể, bằng tinh thần hành động thiết thực của chính quyền. Hy vọng rằng, sau chương trình này, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh sẽ có bước phát triển mới, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và lợi ích chung cho tỉnh”.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng bên lề hội nghị, ông Cao Văn Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dương 68 - đơn vị đầu tư xây dựng chợ Phương Liễu cho biết: "Chương trình hôm nay là một kênh rất bổ ích để doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư tại tỉnh được tiếp cận tới các lãnh đạo tỉnh. Hội nghị đã tiếp nhận và xử lý 12 vấn đề. Dù chưa phản ánh hết được các khó khăn hiện hữu nhưng lãnh đạo tỉnh cũng đã có những chỉ đạo kịp thời. Hiện doanh nghiệp đã đầu tư và đưa "Chợ Phương Liễu” với diện tích hơn 1,4ha cùng 199 điểm kinh doanh tại thị xã Quế Võ đi vào hoạt động, nhưng bà con tiểu thương lại chưa vào kinh doanh. Thông qua chương trình này, chúng tôi rất mong bà con tiểu thương đang kinh doanh ngoài vỉa hè cùng chia sẻ và hợp tác với Ban Quản lý chợ; thực hiện buôn bán, kinh doanh đúng quy định, nơi được pháp luật cho phép; qua đó góp phần xây dựng chợ Phương Liễu trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, văn minh, hiện đại.
Bởi việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán không chỉ gây mất an toàn vệ sinh môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Để tiếp tục có cơ hội đầu tư vào các dự án khác, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ về chính sách một cách thiết thực, để tháo gỡ các khó khăn, đưa các dự án vào hoạt động, phát triển ổn định”.