7 nơi bẩn nhất trong căn bếp của bạn
Hãy cùng xem những nơi bẩn nhất trong nhà bếp của bạn, để bạn có thể lưu ý và giữ sạch chúng.
Núm, tay cầm
Mọi thiết bị trong nhà bếp của bạn đều có một số loại bảng điều khiển hoặc tay cầm để chạm vào mỗi khi sử dụng. Tất cả các núm, nút hoặc bàn di chuột đó đều được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm sống sẽ rất dễ để lại cặn bẩn và vi khuẩn như Salmonella, Listeria, cùng với nấm mốc và nấm men. Những sinh vật này có thể gây rối loạn tiêu hóa và thậm chí khiến bạn và gia đình bị bệnh nặng.
Tay kéo tủ bếp, tay cầm thiết bị và bảng điều khiển nên được làm sạch sau khi chuẩn bị thực phẩm hàng ngày, bằng cách sử dụng khăn lau khử trùng hoặc chất tẩy rửa khử trùng.
Bồn rửa
Mặc dù có nhiều nước chảy qua bồn rửa nhà bếp của bạn, nhưng vẫn có khả năng vi khuẩn ẩn nấp trên bề mặt, đặc biệt là ở các kẽ hở, nơi bồn rửa tiếp giáp với quầy bếp, xung quanh nút thoát nước và nút xử lý rác.
Theo Tổ chức Vệ sinh Quốc gia Quốc tế (NSF), 45% tất cả các bồn rửa gia đình được thử nghiệm có vi khuẩn E. coli hoặc một số loại vi khuẩn coliform. Vì vậy, nên khử trùng bồn rửa bát sau mỗi lần chuẩn bị bữa ăn, rửa bát đĩa hoặc ít nhất một lần mỗi ngày.
Khăn lau, bọt biển
Trong nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng khăn giấy và tác động của chúng đối với môi trường, nhiều gia đình đã sử dụng sang bọt biển xenlulô, bàn chải cọ rửa bồn rửa và khăn lau bát đĩa bằng vải. Thật không may, theo một nghiên cứu của NSF, ít nhất 75% các mặt hàng này chứa vi khuẩn coliform (Salmonella hoặc E.coli). Vì vậy, nếu bạn sử dụng những sản phẩm này, chúng nên được rửa bằng nước nóng sau mỗi lần chuẩn bị bữa ăn hoặc dọn dẹp.
Tủ lạnh
Hầu hết các loại trái cây và rau quả sẽ tươi lâu hơn nếu chúng không được rửa sạch trước khi bảo quản. Vì vậy, nhiều gia đình cho vào trực tiếp vào ngăn rau, trong khi chúng vẫn còn đầy vi khuẩn và thuốc trừ sâu. Điều tương tự cũng xảy ra với thịt sống khi được bảo quản trong tủ lạnh. Ngay cả khi nhiệt độ lạnh, một số vi khuẩn có hại vẫn có thể phát triển bên trong tủ lạnh của bạn.
Thớt
Thớt, đặc biệt là thớt gỗ có thể chứa vi khuẩn trong các ngóc ngách nhỏ, xuất hiện sau một lần sử dụng. Điều quan trọng là bạn phải có ít nhất hai chiếc thớt riêng biệt: một thớt cho trái cây, rau củ và một thớt cho thịt. Điều này sẽ làm giảm ô nhiễm chéo trong quá trình chuẩn bị bữa ăn.
Máy pha cà phê, máy xay sinh tố
Nếu để lâu trong môi trường ẩm, máy pha cà phê, máy xay sinh tố cũng có thể là nơi hoàn hảo cho vi khuẩn, nấm men và nấm mốc phát triển. Các thiết bị này phải được làm sạch sau mỗi lần sử dụng. Ít nhất hàng tuần, bạn cần tháo rời và làm sạch một cách kỹ lưỡng.
Hộp cơm trưa, túi mua sắm và chai nước có thể tái sử dụng
Mỗi khi bạn sử dụng hộp đựng có nắp đậy kín hoặc hộp ăn trưa, túi đi chợ hoặc chai nước có thể tái sử dụng, đều có khả năng lây nhiễm chéo từ vi khuẩn, trừ khi nó được làm sạch đúng cách. Các hộp đựng phải được tháo rời hoàn toàn và đặt vào máy rửa chén hoặc rửa bằng nước xà phòng nóng, tráng lại bằng nước nóng và sấy khô hoàn toàn./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/7-noi-ban-nhat-trong-can-bep-cua-ban-post1002446.vov