7 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng thủy sản nào đang mang về nhiều tiền nhất?
Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD, với những điều kiện thuận lợi như thị trường phục hồi và nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu ổn định. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra,... vẫn đang giữ vị thế nhất định khi mang về xấp xỉ tỷ USD trong 7 tháng.
Xuất khẩu tôm dự báo mang về 1,8 tỷ USD trong 7 tháng
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ. Nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ khiến xuất khẩu tôm của nước ta gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay.
Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29% và Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Vasep ước tính trong tháng 7, xuất khẩu tôm giảm 10%, đạt khoảng 345 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu sản phẩm này dự báo mang về hơn 1,8 tỷ USD.
Phân tích số liệu từng tháng tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam", ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTN) nhận định: "Thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên trong những tháng qua. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại".
Xuất khẩu cá tra mang về gần 1 tỷ USD
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết 15/7/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 7, xuất khẩu cá tra đạt 70 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Ước tính xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1 tỷ USD.
Các thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ đang có những tín hiệu tích cực hơn. Nếu theo kịch bản lạc quan của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), thị trường tiến triển thuận lợi, bà con và người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD.
Xét về thị trường, Trung Quốc đại lục cùng Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 32% tỷ trọng, kim ngạch đạt 301 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể đạt 337 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là thị trường có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4 giảm 66%, tháng 5 đã thu hẹp hơn với mức giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, và sang tháng 6 mức giảm còn 15%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc đại lục cùng Hồng Kông (Trung Quốc) luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam và duy trì tăng trưởng cao nhất.
Mỹ vẫn duy trì vị trí số 2 với gần 150 triệu USD cá tra từ Việt Nam tính đến hết 15/7/2023, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tỷ trọng. Ước tính 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết 15/7/2023, khối thị trường CPTPP và EU vẫn duy trì đứng thứ 3 và 4 về nhập khẩu cá tra Việt Nam khi giá trị đạt lần lượt là 125 triệu USD (giảm 37%) và 96 triệu USD (giảm 21%) so với cùng kỳ năm 2022. Singapore và Đức vẫn là các điểm sáng khi tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương 3% và 32% trong khi hầu hết các thị trường đơn lẻ đều giảm nhập khẩu mặt hàng này.
Theo đánh giá của Vasep và các doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do những biến động của thế giới, tác động lạm phát giá thực phẩm cũng như xung đột Nga-Ukraine. Nửa cuối năm 2023, tỷ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ. Thêm vào đó, nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn cũng sẽ giúp cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn.
Các nước Trung Đông như các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hay Ả Rập Xê Út, các nước có nền kinh tế dầu mỏ khí đốt này được xác định sẽ là thị trường tiềm năng năm 2023 khi có giao thông đường biển, đường thủy và đường hàng không rất thuận tiện. Mặc dù có tăng trưởng chậm lại do lạm phát, nhưng kinh tế khu vực này vẫn ở mức ổn định do những cơ hội thu lợi nhuận từ căng thẳng của xung đột Nga - Ukraine. Nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước “hai đại dương, ba châu lục, năm biển” này không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác.
Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - UAE đang hướng đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) trong thời gian sớm nhất. Kỳ vọng rằng, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần và ghi dấu ấn tại thị trường này cũng như các thị trường khu vực Trung Đông.
Xuất khẩu cá ngừ 7 tháng chưa được nửa tỷ USD
Riêng với cá ngừ, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 chỉ đạt gần 65 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Sang tháng 7, kim ngạch đạt khoảng 82 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ.
Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ ước đạt 464 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô có giá trị cao giảm 46% so với cùng kỳ. Các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp tăng nhẹ 4% trong 6 tháng, đạt 175 triệu USD. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu là do giá tăng chứ không phải sản lượng.
Về thị trường, cũng như các mặt hàng thủy sản khác, khu vực Mỹ, Nhật Bản, Canada.. vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như EU, Mexico, Israel và Thái Lan đang ghi nhận sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc mang về hơn 300 triệu USD, sang 48 thị trường
Theo Vasep, mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng so với các sản phẩm thủy sản chính khác, giá trị mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.
Riêng tháng 6/2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt hơn 51 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ. Các thị trường chính như Hàn Quốc, Trung Quốc, EU đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Riêng thị trường châu Á ghi nhận tăng trưởng dương như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines.
Trong quý II, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt gần 154 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng của quý II, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này liên tục tăng trưởng âm và tháng 6 ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất.
Lũy kế từ đầu năm tính tới 15/7/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 318 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của thủy sản Việt Nam nhưng so với các sản phẩm thủy sản chính khác, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc vẫn ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.
Ngoài nguyên nhân chung, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức cho hoạt động xuất khẩu mực, bạch tuộc.
Theo cơ cấu, mực chiếm 57,5%, còn lại bạch tuộc chiếm 42,5%. Hai quý đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu mực giảm 13%, bạch tuộc giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất với 34% trong cơ cấu xuất khẩu của mặt hàng này. Đây cũng là nhóm hàng ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nửa đầu năm nay, giảm 21% đạt 99 triệu USD. Riêng bạch tuộc chế biến ghi nhận tăng nhẹ 2%, các sản phẩm còn lại đều giảm từ 8%-21% so với cùng kỳ.
Về thị trường, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 48 thị trường trong 6 tháng đầu năm, giảm 5 thị trường so với cùng kỳ năm 2022.
Top 10 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc), Italy, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Tây Ban Nha, Philippines, Pháp và Australia, những quốc gia này chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam. Trong đó, thị trường Nhật Bản có tín hiệu tích cực nhất với tăng trưởng 3%, đạt 77 triệu USD.