Cao Bằng: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp đang là hướng đi được đánh giá góp phần nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh biên giới Cao Bằng.
Khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm OCOP
Các sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng gồm thuộc các nhóm sản phẩm chủ lực là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Một số sản phẩm OCOP đã là đặc sản của các địa phương và đã nổi tiếng từ lâu như: miến dong Phia Đén; hạt dẻ Trùng Khánh, gạo nếp Hương Bảo Lạc; thịt xông khói, lạp sườn; thạch đen; khẩu sli Nà Giàng…
Các sản phẩm OCOP này đã và đang góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, dịch vụ du lịch, miền đất, con người tỉnh Cao Bằng đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy du lịch và kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển.
Nói đến sản phẩm thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời thì nổi tiếng ở Cao Bằng phải có sản phẩm dao của làng nghề Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Trong đó, sản phẩm dao Phúc Sen đạt 3 sao OCOP của Hợp tác xã (HTX) Minh Tuấn đã trở thành sản phẩm nổi tiếng, khẳng định thương hiệu nghề rèn truyền thống nơi đây.
Ông Nông Minh Tuấn, Giám đốc HTX Minh Tuấn chia sẻ: Từ khi được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tiếp đó là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm dao của HTX được biết đến nhiều hơn trong cả nước. HTX tăng cường đưa sản phẩm giới thiệu và bày bán tại nhiều điểm du lịch của tỉnh, các hội chợ du lịch, thương mại lớn trong cả nước. Nhiều đoàn khách du lịch đến Cao Bằng cũng tìm về HTX để lựa chọn các sản phẩm rèn chất lượng.
Sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch
Tại Khu du lịch sinh thái Kolia, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành nên mấy năm gần đây thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương về tham quan. Khách du lịch đến Khu du lịch sinh thái Kolia có thể tham gia du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói... như người dân bản địa.
Được đến tham quan Khu du lịch sinh thái Kolia và ngồi nhâm nhi chén Hồng Trà A1 và Lục Trà A1, 2 sản phẩm OCOP 3 sao của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng là một trải nghiệm thú vị với khách du lịch. Đây cũng là 2 trong rất nhiều loại trà nổi tiếng của Công ty Kolia.
Nhằm thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh Cao Bằng được triển khai tập trung như giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị.
Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP gắn với dịch vụ du lịch nông thôn, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia chương trình OCOP.
Giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các điểm tham quan, các sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tại các Hội chợ, Tuần Văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh.
Từ đầu năm 2024, toàn tỉnh Cao Bằng đón hơn 1,6 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 36.000 lượt, tăng 63% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 1.276 tỷ đồng; công suất sử dụng phòng ước đạt 52,5%.
Để người dân hiểu được giá trị sản phẩm OCOP
Các cấp chính quyền đã vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP ngày càng mạnh mẽ. Ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo ông Nông Thanh Mẫn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng: Việc đưa xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn làm phong phú cho phát triển du lịch, thu hút du khách, góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó, việc quan tâm đầu tư, tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương.
Để phát triển bền vững, tỉnh Cao Bằng xác định cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của chương trình OCOP. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp; triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP.
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng kết nối với các vùng sản xuất sản phẩm OCOP. Mục đích chính là để nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.